Tăng liên kết nội địa, giảm phụ thuộc nhập khẩu

Mai Phương-Thứ tư, ngày 20/04/2022 11:08 GMT+7

VTV.vn - Giảm phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tăng liên kết với nhà cung cấp trong nước đang là giải pháp nhiều doanh nghiệp hướng đến.

Tính chung quý 1/2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng hơn 87 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chiếm hơn 88% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu - nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước.

Giá nguyên liệu thế giới tăng cao, giao hàng chậm, chuỗi logistics đứt gãy kéo theo chi phí vận chuyển tăng cao… đang là những vấn đề doanh nghiệp trong nước gặp phải.

Giá một số loại hạt nhựa như PP, PE đã tăng khoảng 10% so với thời điểm cuối năm 2021. Với việc giá hạt nhựa liên tục tăng cao cùng những khó khăn từ nguồn cung cấp ngoài nước, một số doanh nghiệp đã chủ động nguyên liệu tại chỗ. Các đối tác đều là nhà cung cấp trong nước.

Tăng liên kết nội địa, giảm phụ thuộc nhập khẩu - Ảnh 1.

Việc làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước đối với các doanh nghiệp Việt là điều rất quan trọng. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Đối với ngành dệt may, chiến lược thay đổi chuỗi cung ứng đã được thực hiện trong 2 năm qua. Hiện nay, theo tính toán, 60% nguyên liệu và 85% phụ liệu dệt may đã được chuyển về Việt Nam.

"Từ giờ đến cuối năm sẽ cố gắng giải tỏa phần này thêm 10% nữa. Những vải và nguyên liệu chất lượng cao, cần số lượng lớn, chưa đáp ứng được thì vẫn nhập khẩu", ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Để gỡ thế khó cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu trước những bất trắc như hiện nay, giới chuyên gia nhấn mạnh việc làm chủ được nguồn nguyên liệu trong nước đối với các doanh nghiệp Việt là điều rất quan trọng. Một chiến lược nội địa hóa với các giải pháp ngắn hạn và dài hạn sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được chuỗi sản xuất.

Hiện có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang sản xuất nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, đều là nguyên liệu các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cần. Về dài hạn, cần tính đến yếu tố ưu tiên thu hút đầu tư các ngành sản xuất này, tạo kết nối cung ứng khép kín thị trường trong nước, giảm bớt những biến động chuỗi cung ứng toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước