Đây là kết luận từ báo cáo công bố ngày 27/5 từ Chương trình Đối tác Chiến lược giữa Australisa và Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ nhì thế giới trong 10 năm qua, chỉ xếp sau Trung Quốc, thế nhưng tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại trong 30 năm qua. Dân số già hóa, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu, cách mạng công nghiệp 4.0, hay biến đổi khí hậu là những thách thức cần phải vượt qua.
"Ví dụ nôm na so sánh với bóng đá. Cristiano Ronaldo là cầu thủ hàng đầu thế giới. Anh ta vốn rất nhanh và khỏe, nhưng giờ cũng đã 35 tuổi. Do đó Ronaldo cần phải chú trọng hơn vào hiệu quả và hiệu suất. Tương tự với các nền kinh tế, Việt Nam là một ngôi sao, nhưng đã đến lúc cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng nhiều hơn vào chiều sâu" - ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.
Thực tế, các quốc gia vượt qua mức thu nhập trung bình đều phải chú trọng vào năng suất. Như Hàn Quốc, nếu năm 1970, năng suất chỉ đóng góp 16% vào tăng trưởng chung của kinh tế, thì tới những năm 2000, con số này lên tới 56%.
Do đó, theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần định hướng chính sách củng cố 4 loại nguồn vốn, tương ứng với 4 lĩnh vực: doanh nghiệp năng động, cơ sở hạ tầng hiệu quả, lao động có tay nghề cao và điểm đáng chú ý là kinh tế xanh.
Báo cáo chỉ ra, nếu không nâng cao hiệu quả, tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ giảm từ mức 5,4% trong giai đoạn vừa qua xuống chỉ còn khoảng 4% trong giai đoạn 2030 - 2040.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!