Từ mức 7,5% hiện tại, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải tăng trưởng thêm 4,5% nữa. Chỉ trong 1 tháng cuối năm này, nghĩa là theo tính toán, các ngân hàng sẽ phải giải ngân thêm hơn 130.000 tỷ đồng, đây là điều rất khó thực hiện.
Dù hiện tại đang vào mùa cao điểm cho vay cuối năm, bản thân các ngân hàng triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi cho người vay, dù các ngân hàng đều tin tín dụng sẽ tăng mạnh hơn trong tháng này, nhưng vẫn giữ quan điểm thận trọng: Chất lượng nợ vẫn quan trọng hơn tăng số nợ.
Theo các chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu tín dụng 12% được đề ra, trên cơ sở những tính toán cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5%. Khi tăng trưởng có sự xê dịch, thì việc tín dụng không về đích là điều hoàn toàn hợp lý. Hơn nữa, nếu nhìn lại số liệu tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước công bố trước đó, 25 ngày đầu tháng 11, tín dụng chỉ tăng được khoảng chưa đến 0,4%. Dường như tín dụng bung ra không quá mạnh.
Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh - địa bàn có quy mô tín dụng lớn nhất cả nước vừa tuyên bố, sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 9% trong năm nay, chứ không được 10% như kỳ vọng trước đó. Dường như việc lỗi hẹn với chỉ tiêu tăng trưởng của ngành ngân hàng đã khá rõ.
Khác với nhiều năm, lãi suất không còn bị coi là đà hãm tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân chính vẫn là giảm nhu cầu vốn, khi từ đầu năm đến nay, cả nước đã có tới 55.000 doanh nghiệp đóng cửa, ngừng hoạt động.