Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến hết ngày 20/4 đạt 2,57%.
Sau những chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, cũng như động thái giảm lãi suất điều hành liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, chi phí lãi suất đã dần phù hợp hơn với khả năng hấp thu của doanh nghiệp.
Lãi suất cho vay ra đã giảm từ 1 - 2,5%/năm kể từ đầu năm, nên mặc dù tăng trưởng tín dụng quý I của Ngân hàng ACB vẫn giảm 0,6%, nhưng tính theo tháng, đà tăng đã bật trở lại 1,8% trong tháng 3 và ước tính tăng 1,2% đến thời điểm này. Tốc độ cho vay dần được cải thiện theo xu hướng lãi suất.
Lãi suất cho vay giảm trên cơ sở lãi suất huy động đầu vào giảm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
"Những tháng đầu năm, nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế cũng như người dân khá là thấp. Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng đồng loạt triển khai các gói ưu đãi, ví dụ như tại TP Hồ Chí Minh, các ngân hàng đã triển khai gói ưu đãi khoảng 400.000 tỷ, ngay lập tức nhu cầu tín dụng đã tăng trở lại", ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cho biết.
Lãi suất cho vay giảm trên cơ sở lãi suất huy động đầu vào giảm. Theo biểu niêm yết tại nhiều ngân hàng, lãi suất huy động hiện cũng đã thấp hơn từ 1,5 - 2,5%/năm so với đầu năm.
"Giảm được lãi suất huy động như thế thì lãi suất cho vay ra bình quân hiện đang ở mức khá hấp dẫn. Tôi cho rằng nó đang về gần mức lãi suất cho vay thấp trong 2022. Với lãi suất cho vay mới mà các ngân hàng đưa ra, khách hàng đã thấy sinh lời của hoạt động sản xuất kinh doanh đã cao hơn lãi suất cho vay và nhiều khách hàng đã tự tin mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Văn Hương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho hay.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng có sự khởi sắc hơn theo từng tháng.
Mức tăng trong quý I chỉ đạt 1,25%, nhưng nhu cầu tín dụng được cải thiện đáng kể trong tháng 3 có thể coi là tín hiệu tích cực.
"Rõ ràng lãi suất là một cấu thành về chi phí cho doanh nghiệp. Lãi suất giảm, doanh nghiệp giảm chi phí về vốn, chi phí tài chính, từ đó kích thích nhu cầu vay vốn và mở rộng sản xuất kinh doanh", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp đang được vay với lãi suất từ 8 - 10%/năm, tùy ngân hàng và tính chất khoản vay.
Các chuyên gia tài chính dự báo, tín dụng sẽ tăng tích cực hơn trong quý II và quý III, dù nhu cầu vốn sẽ không quá mạnh như cùng kỳ năm trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!