Ngân hàng Nhà nước: Các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất hơn nữa

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 25/04/2023 21:16 GMT+7

VTV.vn - Ngoài câu chuyện về hoãn, giãn nợ, tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất hơn nữa.

2,57% là mức tăng trưởng tín dụng sau gần 4 tháng đầu năm. Chỉ số này cho thấy mức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang quá thấp. Làm thế nào để kích cầu tín dụng? Giảm lãi suất, mở rộng các điều kiện tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp là những biện pháp ngành ngân hàng đang đẩy mạnh thực thi.

Cụ thể, ngay sau khi liên tiếp ban hành 2 Thông tư về hoãn, giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ cho doanh nghiệp, người dân và thông tư về cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp, hôm nay (25/4), Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập các tổ chức tín dụng để quán triệt 2 thông tư này cũng như tìm cách giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Việc cho phép các ngân hàng được giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp đến giữa năm sau được cho là giải pháp kịp thời, tháo gỡ thế bí cho cả ngân hàng,doanh nghiệp trong việc vay và cho vay. Nhờ chính sách này, tín dụng sẽ khai thông mạnh trong thời gian tới.

Ngân hàng Nhà nước: Các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất hơn nữa - Ảnh 1.

2,57% là mức tăng trưởng tín dụng sau gần 4 tháng đầu năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)

"Việc ban hành Thông tư 02 là một giải pháp rất kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có thể hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu nơ, không bị chuyển nhóm nợ xấu, qua đó các ngân hàng có thể tiếp tục xem xét cho doanh nghiệp và người dân vay vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh", ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, đánh giá.

Giãn, hoãn nợ và tháo gỡ việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp sẽ được coi là nhiệm vụ trọng yếu của cả ngành ngân hàng trong thời gian tới.

"Hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tất cả các ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố cũng như hệ thống tổ chức tín dụng coi đây là một chính sách quan trọng, yêu cầu ngân hàng thương mại có hướng dẫn, quy trình, thủ tục đơn giản, thuận lợi, dễ hiểu, dễ làm và thực sự phải coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu", Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết.

Ngoài câu chuyện về hoãn, giãn nợ, tại hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết liệt yêu cầu các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất hơn nữa. Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung cấp vốn giá rẻ cho các ngân hàng thương mại khi có nhu cầu vốn thông qua các nghiệp vụ của mình.

Khơi thông vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Số liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy, ngay trong tháng 4 này, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến kỳ thanh toán lên đến 15.000 tỷ đồng. Trong cả quý II, con số đáo hạn là khoảng 72.000 tỷ đồng.

Áp lực này cũng đang được khơi thông khi Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà ngân hàng đã bán, thay vì chờ đợi 12 tháng như quy định trước đây.

Trước đây, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua hợp đồng với công ty chứng khoán hoặc công ty tài chính. Một phần không nhỏ lượng trái phiếu này được các công ty mua từ các ngân hàng. Khi trái phiếu doanh nghiệp mất thanh khoản, nhà đầu tư không thể bán lại cho công ty chứng khoán để thu hồi tiền dù điều kiện là mua bán linh hoạt, nhưng nay, nút thắt có thể được mở.

"Khi nắm giữ trái phiếu, nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể bán lại cho các công ty chứng khoán, từ đó các công ty chứng khoán có thể bán lại cho các ngân hàng trong trường hợp các ngân hàng có nhu cầu tái đầu tư những trái phiếu họ bán ra. Việc này sẽ giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư cá nhân khi họ có thể mua bán trái phiếu doanh nghiệp một cách thuận lợi và dễ dàng", ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, đánh giá.

Trong số 72.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý II này, có đến 36.500 tỷ đồng thuộc nhóm bất động sản, chiếm hơn một nửa. Nhiều thành viên thị trường nhìn nhận, điều kiện ngân hàng chỉ mua lại trái phiếu khi doanh nghiệp phải đạt mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất là không dễ dàng.

"Vấn đề khủng hoảng thị trường và không tiêu thụ được sản phẩm làm cho họ suy yếu đi. Nếu các mức tín nhiệm thấp nhưng nguyên nhân được đánh giá đầy đủ, không phải lỗi của doanh nghiệp thì chúng ta vẫn nên có những sự cởi mở về chính sách để hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, khi ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, một trong các vấn đề được cân nhắc, đánh giá là chất lượng của chính trái phiếu đó.

"Khi một tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết vào bản cân đối tài sản của mình thì sẽ được hành xử như một khoản tín dụng. Như vậy sẽ tăng thanh khoản cho thị trường nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng", ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng Giám đốc AFA Capital, cho hay.

Cùng với việc mua lại của các ngân hàng, bản thân các tổ chức phát hành cũng tăng cường mua lại trước đáo hạn. Tháng 3, giá trị mua lại đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 3 lần so với tháng trước và tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Gia hạn thuế để trợ lực cho doanh nghiệp

Để tạo sự đồng bộ, cùng với các giải pháp về tín dụng, các giải pháp về tài khóa cũng được thực hiện song song, khi Chính phủ liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh.

Nếu ngay đầu năm có Quyết định 01 giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước năm 2022 thì mới đây là Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023. Đây được xem như những liều thuốc trợ lực cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Năm trước, nhờ chính sách giãn thuế của Nhà nước, doanh nghiệp này đã có thêm cả chục tỷ đồng chưa phải đóng thuế để mua nguyên vật liệu dự trữ duy trì sản xuất. Năm nay, nhờ tiếp tục được giãn thuế, doanh nghiệp dự tính sẽ mua thêm máy móc để mở rộng sản xuất.

Ngân hàng Nhà nước: Các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất hơn nữa - Ảnh 2.

Chính phủ liên tục có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí và lệ phí giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất kinh doanh. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Tôi nghĩ chính sách này như là liều vaccine trợ giúp cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn", bà Đỗ Thị Thùy, Giám đốc tài chính Công ty TNHH CEDO Việt Nam, chia sẻ.

Với Nghị định 12, dự tính năm nay, Công ty CP Viglacera Tiên Sơn, Bắc Ninh sẽ được giãn nộp thuế trên 40 tỷ đồng. Giữa lúc sản xuất kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn, điều này không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì được sản xuất, mà còn trả lương kịp thời cho công nhân.

"Đây là việc làm thiết thực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kịp thời ổn định sản xuất trong ngắn hạn, trung hạn...", ông Trương Ngọc Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Viglacera Tiên Sơn, Bắc Ninh, cho biết.

"Quy mô của gói này khoảng 112.000 tỷ, trong đó thuế giá trị gia tăng trên 50.000 tỷ, thuế thu nhập doanh nghiệp là 42.000 tỷ, thuế đất đai khoảng 3.500 tỷ và các hộ kinh doanh xấp xỉ 300 tỷ", ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thông tin.

Chính phủ cũng vừa đồng ý về nguyên tắc Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép ban hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Nếu áp dụng cho 6 tháng cuối năm nay thì người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể được giảm thêm 35.000 tỷ đồng tiền thuế.

Sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ không chỉ khơi thông và gia tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ dòng vốn cho các doanh nghiệp, mà còn giúp cho các thị trường có thêm nguồn lực, động lực phát triển, qua đó thúc đẩy các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Có thể thấy, các Nghị quyết của Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành liên quan đồng loạt được ban hành trong thời gian ngắn đã và đang tạo sự đồng bộ để gỡ khó cho người dân và doanh nghiệp, từ đó giúp phục hồi và phát triển kinh tế đất nước.

Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất vay USD, thuế thu nhập doanh nghiệp Doanh nghiệp muốn giảm lãi suất vay USD, thuế thu nhập doanh nghiệp

VTV.vn - Các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vay USD, song hiện mức lãi suất đã lên trên 4% khiến khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tiền.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước