Tập trung toàn lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế

VTV Digital-Thứ ba, ngày 01/06/2021 06:05 GMT+7

VTV.vn - Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Chính phủ đã đặt trọng tâm vào thúc đẩy 3 lĩnh vực: Đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Đây được xem là "cỗ xe tam mã" kéo tăng trưởng kinh tế đi lên trong bối cảnh đại dịch.

Nhiều nhà máy quay trở lại sản xuất

Tại Bắc Giang, sau gần 2 tuần tạm dừng hoạt động để dập dịch, ngày 31/5, hàng nghìn công nhân đã quay trở lại nhà máy tiếp tục hoạt động sản xuất.

Anh Nguyễn Đình Nguyên, công nhân công ty TNHH FuHong, Khu công nghiệp Đình Trám, cho biết: "Tôi được ở ký túc xá riêng, đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 và tiêm vaccine".

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đã lên phương án, thành lập tổ hỗ trợ, trực tiếp đến khảo sát, dựng nhà tạm, khu lưu trú tại các vị trí có không gian phù hợp. Chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cũng đã có kế hoạch cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, nhận định: "Vấn đề bây giờ là từng KCN, từng cơ sở sản xuất công nghiệp, tự đánh giá mức độ an toàn dịch bệnh của mình, xây dựng cho được phương án sản xuất theo từng cấp độ, an toàn cho sản xuất 100%, ít hơn thì cấp độ thấp hơn, có thể giãn cách chuyền với chuyền, giãn cách giữa vị trí người lao động trong chuyền với nhau để đảm bảo sản xuất phải an toàn".

Tập trung toàn lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Khu vực ăn của công nhân Công ty TNHH Fuhong PC đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch. (Ảnh: Dân trí)

Cần nâng cao công tác phòng dịch để đảm bảo an toàn cho người lao động

Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, sáng 31/3, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM.

Phó Thủ tướng đã kiểm tra thực tế phòng chống dịch tại khu sản xuất, khu nhà ăn và khu văn phòng của doanh nghiệp. Ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ và các ý tưởng sáng tạo trong phòng chống dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao công tác phòng dịch để đảm bảo an toàn cho người lao động. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, TP Hồ Chí Minh nói chung cũng như các khu chế xuất, khu công nghiệp nói riêng đã, đang và sẽ khẩn trương áp dụng những biện pháp quyết liệt mạnh mẽ, có những cách làm sáng tạo, phù hợp trước tình hình diễn biến dịch bệnh.

Cũng trong sáng 31/5, Phó Thủ tướng đã ghé thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu cách ly Ký túc xá Đại học Quốc gia.

KCN-KCX TP Hồ Chí Minh triển khai phòng dịch nghiêm ngặt, ổn định sản xuất

Dù có kinh nghiệm chống dịch từ năm 2020, nhưng không chủ quan, hơn 20 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh cũng đã chủ động xây dựng kịch bản khi có ca nhiễm phát sinh trong khu công nghiệp.

Tập trung toàn lực vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - Ảnh 2.

Hình minh họa

Hơn 20 KCX-KCN TP Hồ Chí Minh đã bắt tay, phối hợp cùng ngành chức năng, thường xuyên tổ chức sàng lọc để lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân và phòng dịch nghiêm ngặt

Ông Morishima Takao, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FAPV, KCX Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Khi vào làm việc tại vị trí thì giữ khoảng cách an toàn, đối với từng cụm máy và những người làm việc sẽ giữ vị trí thường xuyên để khi cần truy vết sẽ truy vết rất nhanh. Ngoài ra, cách liên lạc trong khi làm việc chỉ được sử dụng điện thoại là chủ yếu".

Rút kinh nghiệm từ sự gãy đổ chuỗi cung ứng trong lần bùng dịch đầu tiên, các DN tại TP Hồ Chí Minh đã chủ động kết nối, tạo dựng các chuỗi cung ứng nội địa, đầu ra của DN này sẽ là nguyên liệu cung ứng cho DN khác, từ đó vẫn ổn định hoạt động.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý KCN - KCX TP Hồ Chí Minh, nói: "Chúng tôi có khoảng 1.500 DN khu CNC và 150 DN, hai bên đều có thị trường xuất khẩu khá lớn, hàng năm xuất khoảng 7 tỷ USD, KCN cao 20 tỷ USD, nếu biết tận dụng các thị trường DN nội bộ để cung ứng cho nhau thì sẽ tạo thêm GTGT cho DN và tạo thêm việc làm.

Ban quản lý KCN - KCX TPHCM cho biết đã xây dựng các phương án, kịch bản để cho dù có công nhân bị nhiễm bệnh cũng không làm gián đoạn quá trình sản xuất tại các Khu chế xuất, khu công nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước