Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày mai (8/6). Sau đó khoảng 2 tháng, EVFTA sẽ có hiệu lực với nhiều ưu đãi giảm thuế được thực thi ngay.
Việc Việt Nam phê chuẩn EVFTA vào thời gian này là phù hợp và đúng thời điểm, tạo đà cho việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Qua hơn 9 năm đàm phán và thúc đẩy Hiệp định, Việt Nam đã thể hiện rõ ý chí và bản lĩnh của một quốc gia quyết tâm hội nhập và vươn lên. Suốt tiến trình đã ghi nhận những dấu mốc thực sự đáng nhớ về nỗ lực của cả hai bên.
- Tháng 10/2010, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định EVFTA.
- Tháng 6/2012, Việt Nam và Liên minh châu Âu chính thức tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU.
- Sau 14 phiên đàm phán, tháng 12/2015, hai bên đã khởi động tiến trình rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.
- Tháng 6/2018, EVFTA được tách làm hai Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA.
- Tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu đã chính thức thông qua cả hai Hiệp định này.
- Ngày 30/6/2019, hai Hiệp định đã được ký kết tại thủ đô Hà Nội.
- Ngày 21/01/2020, Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA và Hiệp định IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.
- Ngày 12/02/2020, Nghị viện châu Âu phê chuẩn hai Hiệp định EVFTA và EVIPA.
- Dự kiến ngày 8/6, Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua Hiệp định EVFTA.
“Cao tốc” EVFTA không phải là con đường miễn phí
Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, hơn 70% các doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin về EVFTA - một con số đáng lo ngại trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, theo Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các hiệp định thương mại tự do vẫn chưa cao.
Nếu ví những ưu đãi của Hiệp định như một giải thưởng thì trước tiên người chơi là các doanh nghiệp phải đủ điều kiện để tham gia và tất nhiên, phải tuân thủ luật chơi. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Rõ ràng, việc tham gia Hiệp định với một liên minh kinh tế hàng đầu thế giới sẽ là thách thức không nhỏ khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở quy mô nhỏ và vừa. Chính phủ đã có Kế hoạch hành động tổng thể, Bộ Công Thương cũng đã có Kế hoạch chi tiết, tổ chức thường xuyên, liên tục các hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng được tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại.
Hai Hiệp định EVFTA, EVIPA được dự kiến phê chuẩn vào ngày 8/6 tới đây. Việc bấm nút này cũng giống như chính thức thông xe một con đường cao tốc hướng Tây. Nhưng như một đại biểu Quốc hội đã nói, con đường cao tốc này không hề miễn phí. Chúng ta phải trả phí bằng cách đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thể chế của nền kinh tế, chất lượng nhân lực. Trong đó, càng phải nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và chống chịu của các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp khỏe mạnh thì mới có nền kinh tế thịnh vượng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!