Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc sẽ được ưu tiên trong Kế hoạch Đầu tư công Trung hạn (2016 - 2020)

VTV News-Thứ ba, ngày 01/11/2016 17:26 GMT+7

VTV.vn - Trong phiên thảo luận ngày 1/11, các đại biểu Quốc hội đã đề cập nhiều dự án lớn cụ thể ở các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc.

Sáng nay (1/11), thảo luận tại Hội trường, các đại biểu quốc hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét đầu tư tập trung ở các khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc trong giai đoạn 2016 - 2020, trên tinh thần công khai, minh bạch, tránh lãng phí.

Đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những trọng điểm mang tính cấp bách được các đại biểu nhắc tới. Theo bà Nguyễn Thị Kim Bé - đại biểu Quốc hội đoàn Kiên Giang, đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long cấp bách bởi khu vực này được xác định là vùng lúa trọng điểm của cả nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng lại đang bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo dự thảo kế hoạch đầu tư trung hạn của Chính phủ, trong 5 năm tới, đầu tư công cho khu vực này chỉ tập trung vào một số công trình xây dựng cống, đập ngăn mặn, trong khi đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều kênh, đập chằng chịt là không phù hợp. Đại biểu kiến nghị đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long không những phải tập trung mà còn phải đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng thủy lợi, đê bao, kiểm soát nguồn nước và quy hoạch lại vùng sản xuất. 

Cũng nhất trí chọn đồng bằng sông Cửu Long là một trong những trọng điểm quốc gia cần đầu tư tập trung trong kế hoạch trung hạn (2016 -2020), bà Mai Thị Ánh Tuyết - đại biểu Quốc hội đoàn An Giang cho rằng, 5 năm tới, nông nghiệp vẫn giữ vị trí quan trọng, là yếu tố quyết định phát triển kinh tế của nước ta, có tác động trực tiếp đến khu vực công nghiệp chế biến và khu vực dịch vụ. Nông nghiệp cần được đầu tư tập trung nhưng cần khu trú vào một số mảng cụ thể để tránh dàn trải, ví dụ như trồng lúa, trồng rau quả và nuôi trồng thủy sản là các thế mạnh cần được ưu tiên phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với thị trường.

Một trọng điểm khác được các đại biểu kiến nghị xác định trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm tới là hạ tầng giao thông. Nhiều đại biểu cho rằng ưu tiên cho việc nâng cấp hệ thống đường bộ sẽ tạo cơ sở liên kết các vùng để phát triển nhanh kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Cụ thể hơn, đại biểu Tống Thanh Bình - đoàn Lai Châu đề xuất dự án nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu; đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh đề xuất dự án Quốc lộ 53 từ thành phố Trà Vinh đến khu kinh tế Định An với chiều dài 43km, tuyến kênh Mỹ Văn - Rùm Sóc - Cái Hóp để cấp nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, trong đó có các Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải - Trà Vinh…

Đối với vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, ưu tiên trong đầu tư trung hạn 5 năm tới nên tập trung phát các khu công nghiệp gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển, với bảo vệ biển đảo biên cương của Tổ quốc. 5 năm vừa qua, nhờ cơ chế ứng trước vốn, nhiều tỉnh miền trung đã phát triển được  hạ tầng cho các khu kinh tế, tạo tiền đề phát triển trong thời gian tới. Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - đoàn Hà Tĩnh đề nghị 5 năm tiếp theo, Chính phủ, Quốc hội xem xét cho các tỉnh này vừa có đầu tư bổ sung, vừa chưa phải thu hồi vốn đầu tư ứng trước để tiếp tục thúc đẩy các khu công nghiệp phát triển. 

Phản hồi ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng  cho biết đây là lần đầu tiên chúng ta triển khai thực hiện Luật đầu tư công và tiến hành xây dựng một kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả 5 năm. Cái khó là nhu cầu rất lớn trong khi khả năng ngân sách rất hạn hẹp, khả năng huy động các nguồn lực trong xã hội đang còn rất khó khăn.

Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc sẽ được ưu tiên trong Kế hoạch Đầu tư công Trung hạn (2016 - 2020) - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng nhất trí quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, một mặt, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng. Mặt khác đầu tư công cũng thực hiện các mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ miền núi, đồng bào dân tộc các vùng kinh tế khó khăn, bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Về cơ chế đặc thù ưu tiên cho một số địa bàn trọng điểm như Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Bắc, kế hoạch đầu tư trung hạn cũng đã thể hiện nguyên tắc này, như: ưu tiên các nguồn vốn ODA cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội ở Tây Bắc và bổ sung các hệ thống thủy lợi hồ chứa ở Tây Nguyên.

Riêng về cầu Đại Ngãi hiện nay Bộ Giao thông Vận tải đã và đang làm việc với Nhật Bản để bàn phương án sử dụng ODA của Nhật Bản. Đường nối thành phố Lai Châu với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có đưa vào dự án của ADB trong thời gian sắp tới để triển khai. Riêng các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù khó khăn, bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng một cơ chế đặc thù và sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước