Temu chính thức có "động thái" sau phản ánh chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 24/10/2024 18:15 GMT+7

Ứng dụng mua sắm trực tuyến Temu. (Nguồn: Fortune)

VTV.vn- Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Temu là nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 52/2013 ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021).

Ngày 24/10, Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á.

Thị trường bán lẻ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD năm 2023, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện đang vượt ngưỡng 61 triệu người và giá trị mua sắm trực tuyến của một người vào khoảng 336 USD.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã triển khai quyết liệt hàng loạt các biện pháp.

Trong đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Tổng cục Quan lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.

Hay Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Bộ Công Thương đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Temu chính thức có động thái sau phản ánh chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (ngồi giữa)

Chiều 24/10, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, theo quy định của Nghị định 85/2021 sửa đổi Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Sàn Temu đang bán hàng tại Việt Nam thông qua các nền tảng thương mại điện tử, trong khi Indonesia tìm cách ngăn chặn nền tảng này, hay một số quốc gia bày tỏ quan ngại, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động.

"Bộ Công Thương đang triển khai đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử. Bộ cũng đã giao Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi sát đến vấn đề này" Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin.

Nói về giá thành các sản phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử Temu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ: "Tôi cũng giật mình khi thấy giá bán hàng hoá của họ rẻ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải điều tra, nghiên cứu cụ thể. Và chưa thể khẳng định mức giá đó là thật hay không. Trước hết vẫn phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường".

Đồng thời, Thứ trưởng cho biết sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước