Biểu tượng của hãng ô tô điện Tesla. (Ảnh: Reuters)
Đơn kiện nêu rõ mức thuế quan 25% mà Đại diện Thương mại Mỹ áp dụng đối với một danh mục hàng hóa, trong đó có các phụ tùng thay thế sử dụng trong các mẫu ô tô của Tesla là "thất thường và tùy tiện" và đề nghị hoàn lại số tiền thuế doanh nghiệp này đã nộp cộng thêm tiền lãi.
Ngoài ra, Tesla muốn "né" mức thuế 25% áp dụng đối với máy tính và màn hình hiển thị trung tâm do Trung Quốc sản xuất được sử dụng trong mẫu ô tô sedan Model 3.
Năm 2019, các quan chức thương mại Mỹ từ chối yêu cầu miễn trừ mức thuế 25% đánh vào máy tính và màn hình của mẫu xe Model 3. Mỹ cho rằng các bộ phận này sử dụng công nghệ có tầm quan trọng chiến lược trong chương trình an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tesla nói rằng các bộ phận bị ảnh hưởng là "bộ não" của hệ thống lái xe tự động của hãng.
"Việc tăng thuế quan lên bộ phận cụ thể này sẽ gây thiệt hại kinh tế cho Tesla thông qua gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng sinh lời", Tesla viết trong đơn xin miễn trừ thuế, "do tính phức tạp của máy tính trên mẫu xe Model 3 và các mốc thời gian khắt khe cần tuân thủ để đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, Tesla không tìm được nhà sản xuất nào khác đáp ứng yêu cầu của mình".
CEO Tesla Elon Musk đứng cạnh một trong các mẫu Tesla Model 3. (Ảnh: Reuters)
Động thái áp thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế các nhà sản xuất nước này khỏi công nghệ của Trung Quốc, đồng thời giảm thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc.
Sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền điều hành nền kinh tế Mỹ hồi năm 2017, Mỹ và Trung Quốc đã vướng vào cuộc tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng.
Dù thỏa thuận thương mại "Giai đoạn một" Mỹ và Trung Quốc đã ký kết hồi đầu năm 2020 được xem là sự "đình chiến" tạm thời, nhưng mức thuế bổ sung 25% (tương đương 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc) vẫn được áp dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!