Những lo ngại của giới đầu tư về sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc đã phần nào được giảm bớt, bởi những tín hiệu lạc quan trong tiến trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng, nền kinh tế số 2 thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề trầm trọng hơn thế.
Một lần nữa, sự lo lắng của các nhà đầu tư trên thế giới đang đổ dồn về phía Trung Quốc. Tính từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới đã liên tục sụt giảm từ mức trên 10% xuống còn 6,6%/năm như hiện nay. Và không ai rõ bao giờ điều này sẽ dừng lại.
Hồi năm 2009, trong khi thế giới khốn đốn với khủng hoảng tài chính, các biện pháp kích thích kinh tế mạnh tay và thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đã góp phần hạn chế những tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Tuy nhiên theo thời gian, tình hình đang dần xấu đi với núi nợ tăng cao, mà theo ước tính của Bloomberg, hiện đã lên tới 6.000 tỷ USD. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng kinh tế lấy tiêu dùng làm động lực.
Cho đến nay, chính phủ và ngân hàng trung ương Trung Quốc vẫn đang cố gắng hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm thuế, phát hành trái phiếu địa phương, duy trì chính sách tiền tệ thận trọng và cố gắng không dùng tới các gói kích thích quy mô lớn như hồi năm 2009. Điều này được đánh giá là có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc trong dài hạn nhưng lại ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, hiện được dự báo sẽ tiếp tục giảm xuống 6,3% trong năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!