Thách thức phục hồi kinh tế Mỹ qua dịp lễ Tạ ơn và mùa giảm giá Black Friday

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 28/11/2020 14:29 GMT+7

VTV.vn - Nước Mỹ đang trải qua một cuối tuần thử thách đối với sự phục hồi của nền kinh tế cùng kỳ nghỉ lễ Tạ ơn và ngày mua sắm giảm giá lớn nhất trong năm Black Friday.

Nhiều người dân Mỹ đón kỳ nghỉ lễ trong tình trạng khó khăn

Dịp lễ Tạ ơn của người Mỹ là thời điểm mà người người quây quần bên gia đình. Bên bữa tiệc truyền thống, họ sẽ bày tỏ sự biết ơn dành cho những may mắn về sức khỏe, về tiền của, về những bữa ăn no đủ mà họ đã có được trong năm qua.

Tuy nhiên năm nay, những gia đình tại Mỹ sẽ cảm thấy biết ơn vì điều gì? Họ sẽ nói gì bên bàn tiệc thường niên, khi một năm kinh tế của cả nước cũng như của cá nhân, hộ gia đình đều điêu đứng vì dịch bệnh?

Chỉ riêng trong tháng 10, 15 triệu người Mỹ nói rằng họ bị mất việc do dịch bệnh. Những gói cứu trợ từ chính phủ đã khô cạn từ tháng 7, khiến nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh ăn đong từng bữa, đặc biệt là những hộ thu nhập thấp. Tất cả những điều này đã tạo ra một lễ Tạ ơn 2020 với nhiều điều đặc biệt.

Có thể nói thị trường tiêu dùng, bán lẻ là một trong những "hàn thử biểu" của nền kinh tế Mỹ. Doanh thu bán lẻ Mỹ có lẽ cũng đóng góp một phần khiêm tốn vào GDP của nước Mỹ. Tuy nhiên, ngành bán lẻ có hiệu ứng dây chuyền, lan tỏa lên cả nền kinh tế. Không ai mua bán, không ai mở cửa hàng kinh doanh dẫn tới sản xuất đình trệ, thị trường lao động khan hiếm việc làm.

Thay vì một kỳ nghỉ lễ Tạ ơn nhộn nhịp mua bán, năm 2020 chứng kiến một ngày lễ khá là buồn với hàng dài người xếp hàng chờ nhận cứu trợ đồ ăn thức uống ngay trong một ngày lễ vốn là biểu tượng của sự sung túc, ấm no.

Ước tính, cứ 6 người Mỹ thì hiện có 1 người phải đối mặt với tình trạng thiếu ăn. Hơn 80% ngân hàng thực phẩm ở Mỹ cho biết họ đang phải phục vụ nhiều người hơn so với năm 2019.

FED cảnh báo nếu không có các biện pháp kích thích bổ sung, các khoản tiền tiết kiệm chỉ giúp các hộ gia đình Mỹ duy trì cầm cự được đến hết năm nay.

Thách thức phục hồi kinh tế Mỹ qua dịp lễ Tạ ơn và mùa giảm giá Black Friday - Ảnh 1.

Thay vì một kỳ nghỉ lễ Tạ ơn nhộn nhịp mua bán, năm 2020 chứng kiến một ngày lễ khá là buồn. (Ảnh: nytimes)

Nói tới lễ Tạ ơn không thể không nhắc tới Black Friday (Thứ Sáu đen), dịp mua sắm giảm giá rầm rộ nhất năm.

Với những người lớn tuổi, họ chọn hình thức mua sắm trực tuyến nhiều hơn, trong khi một số thanh niên vẫn thích không khí mua sắm trực tiếp trong ngày Black Friday. Có sự phân hóa trong xu hướng như vậy nên tại các cửa hàng bán lẻ, người mua vẫn đông những không có tình trạng chen lấn như những năm trước. Việc này một phần cũng do các nhà bán lẻ đã đặt ra nhiều quy định chặt chẽ cho khách hàng đến mua trực tiếp.

Hiện vẫn chưa kết thúc ngày mua sắm Black Friday nên cũng chưa có con số thống kê cụ thể về doanh số nhưng theo công bố về dữ liệu chi tiêu của người Mỹ trong ngày lễ Tạ ơn, doanh số bán hàng trực tuyến đã tăng 21,5% so với năm 2019, lên mức kỷ lục là 5,1 tỷ USD.

Còn với ngày Black Friday năm nay, Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ ước tính doanh số bán hàng có thể tăng từ 3,6 - 5,2%. Trong khi mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 3,5%.

Để đạt được kết quả như vậy là điều không dễ dàng gì với các hãng bán lẻ tại Mỹ. Các hãng bán lẻ lớn đã phải thay đổi hoàn toàn phương thức hoạt động của mình để có thể thu hút khách hàng nhưng đồng thời cũng đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đa phần những "ông lớn" như Walmart, Target hay Home Depot đều tiến hành nhiều đợt khuyến mại kéo dài trong cả tháng 11, thay vì chỉ tập trung vào giai đoạn sau lễ Tạ ơn. Một số mặt hàng như máy chơi game thậm chí được khuyến mại riêng trên trang bán hàng trực tuyến để khuyến khích khách hàng "săn sale" từ sớm và chọn hàng online.

Còn với những khách hàng vẫn thích mua sắm trực tiếp, các nhà bán lẻ cũng có kế hoạch để tránh các đám đông lớn, chẳng hạn Walmart cho khách hàng lựa chọn ra nhận hàng tại các điểm nhận "không chạm" bên ngoài siêu thị. Trong khi Target bổ sung hệ thống thu ngân lưu động để nhân viên xử lý đơn hàng cho khách ở bất cứ đâu trong siêu thị, giảm số người đứng chờ ở các quầy.

Các cửa hàng đều giới hạn lượng khách tối đa vào mua sắm, yêu cầu xếp hàng đơn, thiết kế lối vào và ra riêng biệt cho khách để hạn chế lây nhiễm chéo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và vừa, vốn đã thiệt hại nặng trong đại dịch COVID-19, lại càng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và đang cố gắng thích ứng để có thể tồn tại.

Các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ tìm cách thích ứng với tình hình mới

Dù không phải một tên tuổi lớn, nhưng trong những ngày qua, cửa hàng thời trang của bà Allyson ở bang Ohio vẫn kinh doanh khá tốt trong các đợt bán hàng trước mùa lễ hội cuối năm. Theo bà, thành công này là nhờ họ đã tạo được cảm giác yên tâm cho khách hàng trong giai đoạn dịch bệnh khó lường.

"Hầu hết khách hàng đều là những người đã quen thuộc với chúng tôi. Chúng tôi luôn quan tâm đến sức khỏe của họ và mong họ cảm thấy được an toàn khi đến đây", bà Allyson Schumacher, chủ cửa hàng thời trang Honey on Miami, chia sẻ.

Để làm được việc này, cửa hàng cho phép tối đa 5 khách vào tham quan mỗi thời điểm, chỉ có một nhân viên làm nhiệm vụ thanh toán và dùng cả đèn ánh sáng xanh để kiểm tra vi khuẩn trên các sản phẩm.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể kiên trì với cách bán hàng truyền thống. Theo Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ, phần lớn người tiêu dùng săn khuyến mại Black Friday năm nay trên Internet. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đã bắt đầu thử sức với thương mại điện tử, như các buổi livestream khuyến mại của chị Debbie, chủ một cửa hàng túi xách và đồ phụ kiện tại Florida.

Thách thức phục hồi kinh tế Mỹ qua dịp lễ Tạ ơn và mùa giảm giá Black Friday - Ảnh 2.

Thị trường tiêu dùng, bán lẻ là một trong những "hàn thử biểu" của nền kinh tế Mỹ. (Ảnh minh họa: nytimes)

"Hiện chúng tôi đang tổ chức livestream mỗi thứ Tư hàng tuần. Khi truy cập ứng dụng, khách hàng cũng có thể xem lại các đoạn livestream này để biết về chất liệu hay cách phối đồ", chị Debbie Pincus, chủ cửa hàng thời trang The Kloset Kouture, cho hay.

Ngay cả trước khi phải hứng chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19, các tên tuổi nhỏ trên thực tế đã gặp nhiều khó khăn trong việc quảng bá sản phẩm do hạn chế về địa lý cũng như nguồn tài chính. Tuy nhiên, nhờ có công nghệ, họ sẽ có thêm cơ hội mở rộng khả năng tương tác, tiếp cận khách hàng ngay trong giai đoạn khó khăn này.

Đa phần người Mỹ sẽ tiếp tục móc hầu bao cho đến hết mùa lễ hội năm nay. Dù thu nhập bị giảm do kinh tế khó khăn nhưng người dân lại tiết kiệm được tiền do việc hạn chế đi lại, đặc biệt là đi du lịch. Họ sẽ dùng số tiền này để trang trí nhà cửa, mua quà tặng trong dịp Giáng sinh và một số ngày lễ cuối năm khác.

Theo ước tính, người dân Mỹ sẽ chi khoảng 160 tỷ USD tiền quà tặng trong dịp cuối cùng của năm, tăng 5% so với năm 2019. Còn về lâu dài, việc chi tiêu của người dân như thế nào còn phụ thuộc vào một số yếu tố: Thứ nhất là diễn biến của dịch COVID-19 và khả năng cung cấp vaccine phòng bệnh; Thứ hai là việc Chính phủ Mỹ có tiếp tục tung ra gói kích thích kinh tế bổ sung hay không, vì gói hỗ trợ trước đã hết hạn vào cuối tháng 7, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn duy trì ở mức cao; Thứ ba là dịch COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiêu dùng của người dân.

Việc có thể thuyết phục người dân tiếp tục chi tiêu hay không cũng phụ thuộc vào phần lớn chiến lược của các doanh nghiệp để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Ông Joe Biden cam kết không đóng cửa nền kinh tế Mỹ Ông Joe Biden cam kết không đóng cửa nền kinh tế Mỹ

VTV.vn - Ông Joe Biden, người được giới truyền thông Mỹ đưa tin chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước