Một mùa hè chấp chới của hàng không
Đầu tháng 1, máy bay Boeing 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines đang thực hiện đường bay thường lệ từ bang Oregon đến California thì một phần trên thân máy bay bất ngờ bật tung, lộ ra lỗ hổng to như cửa thoát hiểm, áp suất cabin giảm mạnh khiến nhiều đồ đạc bị hút ra ngoài. Phi công nhanh chóng giảm độ cao và hạ cánh khẩn cấp, toàn bộ 177 người trên khoang đã an toàn.
Đây không phải là một sự cố hiếm thấy của Boeing mà nằm trong một chuỗi những trục trặc của dòng 737 MAX do hãng này sản xuất. Khủng hoảng của hãng Boeing đã kéo dài từ năm 2018 - tức là gần 6 năm nay. Năm 2018, 2019 có tới hai vụ tai nạn máy bay rất nghiêm trọng xảy liên tiếp tại Ethiopia và Indonesia. Cả hai vụ đều là máy bay dòng 737 MAX do Boeing sản xuất.
Nhưng, Boeing không phải là hãng duy nhất đang chao đảo. Mới đây, hãng Pratt and Whitney - nhà sản xuất động cơ máy bay thuộc top 3 thế giới đã phải triệu hồi 1.200 động cơ máy bay có bánh răng bị lỗi. Các động cơ này chủ yếu được lắp ráp cho dòng máy bay của Airbus - đối thủ của Boeing. Hậu quả là bây giờ trên toàn thế giới có khoảng 600 đến 650 máy bay dòng Airbus A320 Neo và A321 Neo sẽ buộc phải dừng hoạt động, không được chở khách mà phải đi kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn hay không.
Những vụ việc này đã nhen nhóm từ nhiều năm qua, nhưng đều chưa xử lý xong. Máy bay là phương tiện giao thông to lớn, cấu tạo cực kỳ phức tạp, có giá trị lên tới hàng tỷ USD, đặc biệt là chở theo hàng trăm người một lúc. Nên bất kỳ lỗi nào cũng đều được giới chức kiểm tra đi kiểm tra lại hàng tháng, thậm chí hàng năm để đảm bảo sẽ không có những sự cố đáng tiếc xảy ra trong tương lai. Trong khi đó, mùa hè - mùa cao điểm du lịch đang đến. Điều này có nghĩa là có khả năng cao các hãng hàng không sẽ bị thiếu hụt máy bay. Đây có thể sẽ là một mùa hè chấp chới của hàng không.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều ngày 1/4, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - ông Đinh Việt Thắng dự báo việc thiếu máy bay có nguy cơ khiến vé máy bay trong dịp cao điểm hè sắp tới sẽ khan hiếm và đắt hơn. Vì sự việc triệu hồi động cơ lỗi lần này của hãng sản xuất bên Mỹ có tác động đến các máy bay A321 Neo đang được Vietnam Airlines và Vietjet khai thác.
Hàng không là một trong những ngành gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch Covid-19 cho đến nay
Nguồn cung máy bay trên toàn cầu bị thắt chặt
Hàng không có lẽ là một trong những ngành gặp rất nhiều khó khăn kể từ sau đại dịch Covid-19 cho đến nay. Chưa hết, những hệ lụy từ sự cố 737 MAX của Boeing cho đến vụ Pratt & Whitney lần này phải triệu hồi động cơ để khắc phục lỗi sản xuất gây thêm áp lực đối với việc cung ứng của nhiều hãng hàng không trên toàn thế giới. Ước tính trên toàn cầu có từ 600 đến 700 động cơ PW1100 của hãng này sẽ phải triệu hồi để kiểm tra. Hàng trăm tàu bay dòng A320 Neo sẽ phải phủ bạt để chờ cho đến tận 2026. Hàng loạt hãng hàng không đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Với 40 tàu bay thuộc diện phải kiểm tra, một hãng hàng không buộc phải hủy một số tuyến bay cùng với khoản nợ lên đến 1.1 tỷ USD. Chưa hồi được sau đại dịch, hãng hàng không này phải bán và thuê lại 25 tàu bay để cầm cự. Thực tế không phải chờ đến sự cố của Boeing hay Pratt & Whitney, nguồn cung tàu bay cho công nghiệp hàng không vốn đã rất thiếu hụt. Cả Boeing và Airbus đều gặp khó khăn. Hiện giờ, chỉ có dịch vụ cho thuê tàu bay là đắt khách.
Với nhiều sự cố an toàn mới được phát hiện, Cục Hàng không Liên bang Mỹ FAA sẽ càng thêm khắt khe với các nhà sản xuất và lắp đặt máy bay. Mới đây, FAA ra chỉ thị mới liên quan đến an toàn của động cơ PW1100 của Pratt & Whitney. Chỉ thị này được cho còn ảnh hưởng đến động cơ PW1400G được sử dụng trong những tàu bay MC-21.
Sau đợt kiểm tra vừa qua, với Boeing, FAA đã hạn chế số lượng máy bay mà tập đoàn này có thể sản xuất ở mức 38 chiếc/ tháng. FAA khắt khe đến mức Giám đốc tài chính của Boeing phải thốt lên là chưa bao giờ thấy họ làm chặt như bây giờ. Vì thế, tình trạng thiếu hụt máy bay sẽ còn kéo dài. Thị trường vận tải hàng không sẽ chịu thêm nhiều sức ép và người tiêu dùng có thể sẽ phải tốn kém hơn trong mùa du lịch hè sắp tới. Nhưng hành khách sẽ cảm thấy an toàn hơn mỗi khi lên máy bay.
Được biết, quá trình kiểm tra của giới chức với các hãng sản xuất máy bay có thể lên tới 9 tháng hay 1 năm. Như trường hợp của Boeing, 5 - 6 năm vẫn chưa xong. Hàng không dân dụng cũng như nhiều ngành dịch vụ khác, sự an toàn của khách hàng chính là tài sản quý nhất. Và khi họ để xảy ra sự cố đáng tiếc, hậu quả đánh rất mạnh vào doanh thu.
Doanh thu các hãng sản xuất máy bay sụt giảm sau bê bối
Hãng sản xuất động cơ Pratt & Whitney dự kiến sẽ phải bỏ ra 200 triệu USD để bồi thường cho một hãng hàng không của Mỹ do hãng này phải ngừng bay để động cơ được đưa về kiểm tra.
Boeing đã phải đưa ra 160 triệu USD đền bù cho hãng hàng không Alaska Air sau sự cố cửa máy bay bị bung ra, khiến hãng hàng không này bị thiệt hại doanh thu. Còn tính cả năm 2023, Boeing thua lỗ tới 2,2 tỷ USD, trong đó 1,6 tỷ USD là thua lỗ ở mảng máy bay dân dụng. Năm 2022 còn ảm đạm hơn, khi Boeing thua lỗ hơn 5 tỷ USD.
Khó khăn của Boeing lại trở thành thuận lợi với Airbus. Trên thị trường đơn đặt hàng máy bay thân hẹp dự kiến có giá trị lên tới 1,75 nghìn tỷ USD, Airbus đang chiếm tới 62% thị phần. Các chuyên gia cho rằng Airbus sẽ chiếm ưu thế dài lâu. Bởi vì một khi đối tác đã chuyển sang mua máy bay của hãng khác, họ sẽ kí hợp đồng ít nhất là 10 năm, đảm bảo tính ổn định cho phi đội của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!