Thách thức từ những FTA thế hệ mới

Nguyễn Trung-Thứ sáu, ngày 01/11/2013 07:16 GMT+7

 Ngày 31/10, tại Hà Nội, Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức hội thảo về các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới với chủ đề: Cơ hội và thách thức với Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì một hội thảo quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế. Các tham luận tại hội thảo cho thấy, có những nước tranh thủ được các Hiệp định thương mại tự do để phát triển kinh tế nhanh, nhưng có nhiều nước nền sản xuất bị phá vỡ và trở thành gia công thầu phụ với phần giá trị rất ít ỏi trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc nghiên cứu để tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là một trong những biện pháp để góp phần thực hiện chủ trương Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị.

Ông Trần Đắc Lợi, Phó Trưởng ban ban đối ngoại Trung ương cho rằng: “Để nhìn nhận rõ ràng hơn những cơ hội và thách thức của các Hiệp định tự do thương mại mới, từ đó nhận ra những thách thức với tất cả các lĩnh vực hoạt động sản xuất thương mại đầu tư, văn hóa xã hội và có những khuyến nghị về các biện pháp để phát huy nội lực một cách tối đa”.

‘ Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP. Ảnh minh hoạ

Trong khi tiến trình vòng đàm phán Doha đang gặp nhiều khó khăn, đã nảy sinh xu thế hình thành các Hiệp định tự do thương mại mới (FTA). Tuy nhiên, khi tham gia các FTA, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức mới như: các cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Các cam kết về bảo vệ môi trường, các vấn đề xã hội, về doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ và bảo hộ trí tuệ. Khi muốn vào sân chơi mới thì phải hóa giải những vấn đề này.

Ông Vũ Khoan, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Phải tận dụng tối đa các cam kết đó để bảo vệ sản xuất trong nước. Chúng ta gia nhập để kinh tế đất nước mạnh lên để tự bảo vệ mình là rất quan trọng. Tất nhiên cách bảo vệ tốt nhất là nâng cao khả năng tự cạnh tranh của mình”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho rằng: “Có những hiệp định phát huy hiệu lực rất tốt, nhưng cũng có những hiệp định chúng ta không được hưởng lợi bao nhiêu bởi các doanh nghiệp không sẵn sàng và không đáp ứng được những điều kiện các hiệp định đó đem lại”.

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Ban Đối ngoại Trung ương tập hợp và tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có những quyết sách quan trọng nhằm đưa nền kinh tế phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước