Đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Ảnh minh họa: China Urban Development
Thâm Quyến từng được miêu tả là một thành phố "mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ". Năm 2016, GDP của thành phố này đạt 294 tỷ USD, nhiều hơn cả Bồ Đào Nha hay Ireland.
Trải qua gần 3 thập kỷ, Thâm Quyến từ một làng chài lạc hậu đã trở thành một thành phố hiện đại, công nghiệp. Có được điều này đó là do sự nhất quán trong chính sách cởi mở, dỡ bỏ mọi nút thắt từ trung ương đến chính quyền địa phương, bên cạnh những ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất, xuất nhập cảnh...
Ngày 1/7/1992, Trung Quốc thông qua quyết định trao quyền lập pháp kinh tế cho những người đứng đầu đặc khu kinh tế. Thâm Quyến là nơi đầu tiên áp dụng chính sách đất đai theo nguyên tắc thị trường, đổi đất xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích đầu tư (cả đầu tư nước ngoài) trong một số lĩnh vực nhạy cảm như dịch vụ vận tải biển.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng, trong đó coi việc điều chỉnh kết cấu công nghiệp hóa theo hướng phát triển ngành kỹ thuật cao là hướng thu hút đầu tư chính. Hệ quả là 6 ngành chiến lược gồm công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, năng lượng mới, vật liệu mới, viễn thông và sáng tạo đã chiếm 40% tổng sản lượng GDP của Thâm Quyến.
Ngoài ra, Thâm Quyến đã thông qua thị trường chứng khoán của mình giúp các doanh nghiệp nội địa có thể thúc đẩy nâng cấp ngành nghề. Hiện đây là sàn chứng khoán lớn thứ 3 khu vực châu Á.
Sự đột phá của Thâm Quyến có thể mô tả tổng quát thành công thức: Phân quyền + Mở cửa kinh tế + Công nghệ cao + Các khu kinh tế đặc biệt = Sự đột phá.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!