Tháng Giêng - tháng của sản xuất kinh doanh

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 04/02/2023 11:04 GMT+7

VTV.vn - Ngay sau dịp nghỉ Tết Quý Mão, những ngày đầu năm mới, không khí sản xuất kinh doanh đã rất sôi nổi.

Hối hả sản xuất sau Tết

Không khí khai xuân năm nay của các doanh nghiệp bắt đầu từ rất sớm. Không đợi ngày làm việc chính thức đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đã có những doanh nghiệp khai xuân từ trước đó.

Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm và kỳ vọng của người lao động, của doanh nghiệp sẽ có một năm mới với nhiều kết quả tích cực hơn, mà còn thể hiện đúng tinh thần Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023. Các ngành, các lĩnh vực đều nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu xuân.

Cả 3 công xưởng của Công ty Xe đạp Thống Nhất đã hoạt động 100% công suất ngay sau Tết. Tiếng máy móc rộn ràng, không khí sản xuất thêm phần hối hả khi số lượng đơn đặt hàng trong quý I này của doanh nghiệp tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.

Tháng Giêng - tháng của sản xuất kinh doanh - Ảnh 1.

Sản xuất xe đạp tại Công ty Cổ phần Thống Nhất. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi đẩy mạnh bán hàng tại thị trường miền Bắc, phát triển thị trường miền Trungnên sản lượng năm nay tăng so với năm ngoái. Kỳ vọng của công ty sản xuất sẽ tăng 40% so với năm ngoái", ông Trịnh Xuân Phường, Quản đốc Công ty Xe đạp Thống Nhất cho hay.

Không chỉ phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất cho xuất khẩu.

Ra đồng từ mùng 4 Tết, bà Xoạn và những người nông dân tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội, đang khẩn trương vun luống cho vụ Xuân.

"Chúng tôi chỉ mong mưa thuận gió hòa, được mùa lúa, được mùa khoai, người nông dân đỡ vất vả", bà Nguyễn Thị Xoạn, xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất, Hà Nội, bày tỏ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kế hoạch rau màu vụ Đông năm 2023, chúng ta sẽ trồng khoảng 1 triệu ha, với sản lượng khoảng 19 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu xuất khẩu và đặc biệt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng 100 triệu dân trong nước.

"Chúng ta có kế hoạch sản xuất phù hợp về cơ cấu giống, cơ cấu thời vụ, để làm sao gắn với thị trường xuất khẩu cũng như thị trường tiêu thụ trong nước, để tránh hiện tượng dư thừa hoặc khan hiếm", ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết.

Giá thực phẩm ổn định, rau củ quả giảm sau Tết

Quan niệm "Tháng Giêng là tháng ăn chơi" đã không còn, thay vào đó là tinh thần làm việc rất khẩn trương. Điều này có thể giúp đảm bảo về nguồn cung hàng hóa và qua đó tạo sự ổn định về giá cả trên thị trường.

Mọi năm sau Tết, giá cả sẽ tăng do nguồn cung hạn chế bởi người lao động chưa đi làm ngay nên guồng quay sản xuất chưa thể hoạt động 100% công suất. Tuy nhiên năm nay, sau Tết hoạt động của hệ thống phân phối đã tấp nập trở lại, nguồn cung hàng hóa dồi dào. Sau Tết, không có tình trạng đầu năm thiếu và tăng giá hàng thiết yếu. Thời điểm hiện tại, giá các sản phẩm thịt, trứng ổn định, còn rau củ quả giảm, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn.

"Sản lượng chúng tôi đảm bảo theo đúng nhu cầu thị trường, nghĩa là tăng so với trước Tết Nguyên đán. Giá thì giảm nhẹ so với trong và trước Tết. Trong đó rau ăn lá đáp ứng được nhu cầu thị trường nên chúng tôi đang phối hợp với nhà phân phối tổ chức chương trình khuyến mại 1 tặng 1 hoặc bán loại rau này tặng loại rau khác", ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rau Quả Sạch Chúc Sơn, cho biết.

Giá rau bán buôn giảm, nên giá bán lẻ trực tiếp cũng nhanh chóng giảm theo. Cà rốt, su hào, cải thảo... và nhiều loại rau khác đều giảm sâu tại siêu thị khi kết hợp với các chương trình khuyến mại.

Nhộn nhịp hoạt động xuất nhập khẩu đầu năm mới

Không chỉ đảm bảo nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị để có đủ hàng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu như mở rộng nhà máy, nâng cấp trang thiết bị máy móc… và hoạt động xuất khẩu đã rất nhộn nhịp ngay từ đầu năm.

Từ đầu năm Quý Mão đến nay, hơn 1.000 container hàng hóa được các doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi sang Trung Quốc qua cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn. Doanh nghiệp cũng vừa xuất khẩu thành công 21 container thanh long và xoài chỉ trong 1 ngày.

"Năm nay tôi rất phấn khởi và chưa có năm nào tôi đăng ký nhiều xe như năm nay. Tôi mong khi nước bạn nới lỏng dịch COVID-19 thì năm nay hứa hẹn một năm hanh thông", chị Hoàng Thị Lê, Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Đức Phong, tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ.

Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, từ đầu năm đến nay, đã có gần 45.000 tấn nông sản được xuất khẩu qua cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành, đạt kim ngạch trên 21 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ.

Theo ông Phạm Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai, chu trình xuất nhập cảnh đối với một phương tiện sang Trung Quốc đã được giảm, trước đây 3 - 5 ngày, hiện rút xuống 1 - 2 ngày đã giải phóng xe.

Tính chung trên cả nước từ đầu năm Quý Mão đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu đã thông quan được 1,6 tỷ USD hàng hóa cho hơn 800 doanh nghiệp trên cả nước.

"Cơ quan hải quan đã yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, các đơn vị trong cả nước phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trên địa bàn đảm bảo đủ 100% quân số phục vụ đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu của doanh nghiệp và tháo gỡ ngay các vướng mắc phát sinh", ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho hay.

Sôi động thị trường việc làm sau Tết Nguyên đán

Trong bức tranh khai xuân, 1 yếu tố quan trọng giúp kích hoạt các hoạt động sản xuất kinh doanh đó là người lao động. Không có người lao động, các cánh đồng, nhà máy, công trường, cửa khẩu không thể làm việc được ngay nên các doanh nghiệp đã chủ động có các chính sách để vừa giữ chân, vừa thu hút thêm lao động ngay từ trước Tết.

Trên 98% người lao động của Công ty Tân Quang Minh đã trở lại làm việc sau Tết, sản xuất 3 ca/ngày để kịp đơn hàng. Với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần thêm hơn 100 công nhân, tương đương 30% nhân sự sản xuất trực tiếp.

Ngoài mức lương khởi điểm trên 7,5 triệu đồng/tháng, người lao động tuyển mới được hưởng thêm chế độ phúc lợi, được đào tạo để nâng cao tay nghề.

"Năm 2023 chúng tôi quyết tâm đẩy mạnh doanh số lên gấp đôi so với năm 2022, do đó phải tính tới tuyển dụng. Chúng tôi cân nhắc lại sau Tết, mức lương của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào, sau đó chúng tôi sẽ nhanh chóng điều tiết phù hợp để vừa giữ chân, vừa tuyển dụng lao động mới", ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh, thông tin.

Tháng Giêng - tháng của sản xuất kinh doanh - Ảnh 2.

Sau Tết, các ngành, các lĩnh vực đều nhanh chóng bắt tay ngay vào công việc từ ngày đầu xuân. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Còn Tập đoàn Đại Dũng, trước Tết, đã kịp thời bổ sung 300 người lao động vào các xưởng sản xuất để kịp tiến độ giao hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn cần thêm hơn 300 công nhân mới có thể lấp đầy sản xuất.

"Chúng tôi vẫn tiếp tục chính sách giữ chân người lao động thông qua chương trình phúc lợi, chương trình đào tạo, lương thưởng. Tăng cường đào tạo để người lao động nâng cao năng lực quản lý, làm việc", ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Tổng Giám đốc Vận hành Tập đoàn Đại Dũng, cho hay.

"Tiếp thị" việc làm ở bến xe, hỗ trợ người lao động tìm việc

Để các doanh nghiệp có được nguồn lao động ổn định nhằm triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, dự kiến trong tuần sau, tại TP Hồ Chí Minh, các phiên giao dịch việc làm sẽ đồng loạt diễn ra để giải quyết nhu cầu lao động trong quý I/2023. Bên cạnh đó, ngành lao động thành phố vừa tính thêm một kênh để có thể "đón" người lao động vừa lạ vừa nhanh, đó chính là tuyển dụng tại các bến xe.

Tại các bến xe như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, bến xe An Sương, nhiều doanh nghiệp cử nhân sự cùng với trung tâm dịch vụ việc làm của thành phố để tuyển dụng lao động. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển từ 20 - 500 lao động, chủ yếu là lao động phổ thông trong các ngành như may mặc, da giày, điện - điện tử, hóa nhựa, bán buôn bán lẻ….

Người lao động ngoại tỉnh có nhu cầu tìm việc sẽ được giới thiệu việc làm miễn phí. Việc đặt các bàn tư vấn tuyển dụng trực tiếp tại bến xe sẽ giúp người lao động tiếp cận với nguồn tuyển dụng chính thống và phân luồng lao động ngay từ đầu; tránh tình trạng các tổ chức cá nhân không được cấp phép giấy tư vấn giới thiệu việc làm thu phí bất hợp pháp, hạn chế được tình trạng cò mồi lao động.

Trong tháng 1, gần 3.000 lao động thiếu việc, mất việc trước Tết đã được giới thiệu kịp thời đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. TP Hồ Chí Minh cũng đang phối hợp với các tỉnh thành lân cận như Cần Thơ, Bến Tre, Gia Lai, Kon Tum… tạo nguồn cung ứng lao động cho các doanh nghiệp.

Đề xuất nhiều chính sách thuế tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, còn có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng nhằm giúp các doanh nghiệp, người lao động có thể bắt tay ngay vào việc từ đầu năm mới. Bên cạnh đó còn là loạt các đề xuất về các chính sách thuế như: giảm 30% tiền thuê đất, mặt nước năm 2023 cho doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục giãn thời gian nộp thuế cho các doanh nghiệp thực hiện giống như năm 2022. Điều này được kỳ vọng tạo động lực mới cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển, trong bối cảnh vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay.

"Nếu được giãn thuế và giảm tiền thuê đất thì doanh nghiệp chúng tôi đỡ được hàng tỷ đồng. Chúng tôi sẽ dùng số tiền này tập trung vào mua nguyên liệu, tái tạo sản xuất, vượt lên lúc khó khăn", ông Bùi Đắc Lập, Tổng Giám đốc Công ty XNK Mây tre đan Đoàn Kết 1, nói.

"Khi được giãn thì số tiền đó lại quay vòng vào vốn lưu động và làm cho sản xuất kinh doanh tăng lên", bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán CPA Việt Nam, cho biết.

Năm 2022, hàng chục nghìn doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã được miễn, giảm, giãn nộp thuế, phí khoảng 233.000 tỷ đồng. Điều này đã giúp họ có thêm nguồn vốn lớn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, từ đó quay trở lại đóng góp cho ngân sách. Nhờ vậy GDP năm 2022 đã tăng 8,02%.

Doanh nghiệp hồ hởi bước vào mùa sản xuất mới Doanh nghiệp hồ hởi bước vào mùa sản xuất mới

VTV.vn - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã bước vào mùa sản xuất mới với mục tiêu giữ giá cả, bình ổn thị trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước