Người Mỹ quay cuồng mua sắm ngày “Thứ sáu đen”. Ảnh: AP
Trái với tâm lý hào hứng, vui vẻ của người dân đi mua sắm, các nhân viên bán hàng hết sức căng thẳng khi phải làm việc vào những ngày này trong khi tiền lương quá ít. Nhiều nhân viên bán lẻ đã gọi là “ngày thứ sáu khủng khiếp”.
Thông thường, lễ mua sắm Thứ sáu đen bắt đầu từ nửa đêm của ngày lễ Tạ ơn. Tuy nhiên năm nay, Thứ sáu đen đã đến sớm hơn khi các nhà bán lẻ tranh nhau mở cửa sớm từ 19 giờ để thu hút khách hàng. Giây phút cửa hàng mở cửa, hàng nghìn người đổ xô tranh cướp các món đồ. Người mua hàng hồ hởi bao nhiêu thì nhân viên của cửa hàng lại rầu rĩ bấy nhiêu với một đêm dài và mệt mỏi.
“Tôi nghĩ ngày lễ Tạ ơn là giây phút được ở bên gia đình mình, chứ không phải là dịp mua sắm”, Devon, nam nhân viên cửa hàng nói.
Rất nhiều các nhân viên khác cũng ủng hộ quan điểm này của anh Devon. Trong những ngày lễ lớn nhất, đã có rất nhiều nhân viên của Wal-Mart và các thành viên công đoàn tổ chức biểu tình đòi tăng lương. Một cuộc biểu tình trong hòa bình đã diễn ra vào thứ sáu vừa qua trước cửa chuỗi bán lẻ khổng lồ Wal-Mart ở thủ đô Washington, D.C.
Theo anh Mark, một trong những người tham gia biểu tình, có tới 1000 cuộc biểu tình tương tự diễn ra trên toàn lãnh thổ nước Mỹ, đòi hỏi mức lương và giờ làm việc tốt hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều nhân viên của Wal-Mart sợ không dám tham gia biểu tình. “Nhiều nhân viên lo sợ nếu họ tham gia biểu tình, rất có thể trong thời gian tới họ sẽ bị đuổi việc, mà không ai muốn bị mất việc vào lúc này”, anh Mark, người biểu tình nói.
Không chỉ Wal-mart, chuỗi bán lẻ Target cũng nhận được rất nhiều đơn phàn nàn của nhân viên, một nhân viên của Target đã có đơn đề xuất phản đối việc phải làm ngoài giờ trong ngày lễ Tạ ơn, đã có tới 372.000 chữ ký của đồng nghiệp tham gia ủng hộ.