Chỉ còn hơn 3 tháng nữa, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức đi vào hoạt động, mở ra cuộc cạnh tranh khốc liệt cho các doanh nghiệp Việt. Nhiều mặt hàng từ các nước khác sẽ ồ ạt vào Việt Nam khi mà các rào cản thuế quan được xóa bỏ. Và nếu ví cuộc cạnh tranh này như một cuộc thi chạy marathon, có lẽ đã đến lúc các doanh nghiệp Việt phải chạy nước rút.
Theo tờ An ninh Thủ đô, các DN nội phải chạy nước rút bởi các nước khác đều đã có những chiến lược bài bản. Họ biết tiềm năng của thị trường Việt Nam tương ứng với thế mạnh nào của họ như Singapore có chiến lược đầu tư trực tiếp vào thị trường bất động sản Việt Nam hay Thái Lan lại sẽ thâm nhập sâu vào thị trường bán lẻ, đặc biệt là chuỗi siêu thị tại Việt Nam.
Trong khi đó, tới 70% doanh nghiệp Việt, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ biết chung chung như tên Hiệp định, tên tiêu đề chứ không hiểu rõ Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ có tác động gì tới mình.
Không chỉ thiếu sự chuẩn bị, nội lực của doanh nghiệp Việt cũng kém hơn. Tờ An ninh Thủ đô đưa số liệu năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực bằng 1/5 Malaysia và chỉ bằng 1/15 so với Singapore.
Điều này có vẻ khó hiểu khi Nhà nước mất rất nhiều công sức để có thể ký kết các hiệp định kinh tế, hiệp định thương mại tự do, vậy mà với nhiều doanh nghiệp, đến thời điểm này hầu như chưa chuẩn bị gì.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia kinh tế trên một số báo ra sáng 23/9, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cộng đồng kinh tế ASEAN ảnh hưởng rất ít đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Dường như các doanh nghiệp Việt Nam thường quan tâm và đầu tư cho các thị trường như Mỹ, Nhật, châu Âu nhiều hơn.
Và đáng lo là tư duy đó có thể khiến các DN Việt bị đánh bại ngay trên sân nhà. Thời báo Kinh tế Sài Gòn sáng 23/9 trích ý kiến của một chuyên gia tư vấn chiến lược. Theo đó, bước đầu tiên, tưởng như đơn giản nhưng lại rất quan trọng, chính là thay đổi về tư duy.
Nếu như thị trường Việt Nam được ví như “ao nhà”, ASEAN sẽ được xem như “ao làng”. Vậy nên, doanh nghiệp Việt cần phải bơi tốt trong “ao làng” ASEAN rồi hãy tính đến chuyện bơi ra “biển lớn” là thị trường kinh tế thế giới.
Cũng theo phân tích của báo này, khi mà đến 90% doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, việc đánh giá đúng thị trường ngách và phương thức kinh doanh cũng là điều quan trọng để có thể né được sự cạnh tranh trực tiếp từ doanh nghiệp nước ngoài, vốn mạnh cả về tài chính lẫn kinh nghiệm
Đồng quan điêm, bài viết trên tờ An ninh Thủ đô cho rằng sức mạnh của doanh nghiệp Việt cũng sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nếu biết cùng liên kết, cộng sức lại. Liên kết để giảm thiểu rủi ro cũng là cách mà nhiều nước trong khu vực đang áp dụng.
Có lẽ môi trường nội địa còn đang khá an toàn cho các doanh nghiệp Việt. Nhưng không lâu nữa, những bảo hộ sẽ được dỡ bỏ. Theo các báo, việc các doanh nghiệp chạy nước rút như thế nào trong giai đoạn này sẽ quyết định cuộc chơi hội nhập. Và đã là một cuộc chơi, muốn chiến thắng hay ít nhất là giành thế chủ động, một sự chuẩn bị kỹ càng là điều không thể thiếu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!