Trong 3 tháng tới, theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam sẽ có khoảng 300 nghìn tấn thanh long tại Bình Thuận, Long An, Tiền Giang sẽ cho thu hoạch.
Như mọi năm 90% sản lượng trên sẽ được xuất khẩu vào thị trường truyền thống là Trung Quốc. Tuy nhiên, năm nay khi việc xuất khẩu thanh long vào thị trường này đang bị tạm dừng, giá thanh long tại nhiều địa phương đang giảm mạnh, tạo áp lực không nhỏ tới người trồng và nhiều doanh nghiệp.
Trước thực tế trên, trong thời gian qua, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng chung tay xúc tiến đưa quả thanh long vào thị trường Ấn Độ với 1,4 tỷ dân.
Theo các doanh nghiệp, thị trường Ấn Độ tiềm năng không kém thị trường Trung Quốc bởi Ấn Độ vừa có thể tiêu thụ số lượng lớn, chất lượng yêu cầu không quá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần phải chú ý đến một số khác biệt giữa thị trường Ấn Độ với thị trường Trung Quốc.
Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN
"Thị trường Trung Quốc thích quả càng to càng tốt nhưng thị trường Ấn Độ thích quả nhỏ và trung bình. Tuy nhiên, hiện thanh long của Việt Nam tỷ lệ quả to lại nhiều hơn quả nhỏ - đó là một vấn đề khó đáp ứng thị trường Ấn Độ", ông Lê Vương Quốc - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần GIMEX cho hay.
Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, thị trường này có dung lượng phát triển lớn cho doanh nghiệp Việt Nam để thúc đẩy quả thanh long tại đây. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu quả thanh long Việt Nam vào Ấn Độ tăng trưởng 7 tháng đầu năm tài chính 2021 - 2022 tăng tới trên 200%.
Để tránh rủi ro về thanh toán, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ khuyến cáo, với các đơn hàng mới xem xét áp dụng các điều khoản thanh toán an toàn, có lợi cho doanh nghiệp, thường xuyên giữ liên lạc với đối tác, đơn vị vận chuyển… tuyệt đối không sử dụng các phương pháp thanh toán trả chậm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!