Nhiều người tiêu dùng dù có tài khoản ngân hàng cả chục năm nay nhưng vẫn chỉ thanh toán bằng tiền mặt. Họ khẳng định đó là thói quen khó thay đổi và còn bởi hạ tầng cho thanh toán thẻ còn quá yếu.
Anh Nguyễn Lương Hiếu, người tiêu dùng cho biết: “Tôi thường thanh toán bằng tiền mặt vì tiện lợi, còn dùng thẻ phức tạp”.
Một người tiêu dùng khác cho biết thêm: “Khi mua hàng tôi ít thanh toán bằng thẻ vì nhiều nơi như nhà hàng, siêu thị lớn không có điểm chấp nhận thanh toán thẻ”.
Trong nhiều trường hợp, người tiêu dùng ngại thanh toán bằng thẻ còn bởi chính các chủ kinh doanh. Có nhiều nhà kinh doanh từ chối thẳng thừng khi khách muốn thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Bên cạnh đó, có những chủ kinh doanh chấp nhận thẻ nhưng tính phí ở mức cao nhất với khách hàng dù điều này theo luật không được phép. Ví dụ, khi mua chiếc điện thoại di động giá 10 triệu, khách mất 180 nghìn đồng nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng và 50 nghìn đồng nếu dùng thẻ thanh toán.
Một nhân viên bán hàng công ty TNHH thương mại Nhật Cường cho biết, thanh toán bằng thẻ tín dụng sẽ mất 1,8% phí nhưng thanh toán bằng thẻ ATM chỉ mất phí 0,5%.
Theo ý kiến của các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nguyên nhân của tình trạng nhiều chủ kinh doanh muốn ép khách thanh toán bằng tiền mặt bắt nguồn từ việc họ muốn giấu doanh thu nhằm né tránh các nghĩa vụ thuế và không muốn đóng phí cho khách hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc công ty dịch vụ thẻ SmartLink cho rằng: “Toàn bộ doanh thu thực hiện qua thanh toán thẻ sẽ minh bạch và phải chịu thuế, trong khi đó tại thị trường Việt Nam hiện nay, nhiều đơn vị bán hàng hoá, dịch vụ luôn tìm cách giấu doanh thu để tránh thuế. Thứ hai, khi thực hiện chấp nhận thanh toán thẻ thì những đơn vị đó phải trả một lượng phí cho ngân hàng”.
Thanh toán thẻ là hình thức đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ich cho các nhà kinh doanh. Theo nhiều ý kiến, cần bỏ qua số tiền phí nhỏ hiện tại để có được nhiều lợi ích hơn mới là điều cần thiết.