“Thế khó” của doanh nghiệp bình ổn trước áp lực giữ giá

VTV Digital-Thứ sáu, ngày 03/06/2022 17:07 GMT+7

VTV.vn - Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn tại TP Hồ Chí Minh đang ở "thế khó" khi chi phí đầu vào ngày càng tăng gây áp lực lớn lên giá cả hàng hóa.

Nhiều doanh nghiệp thuộc Chương trình bình ổn thị trường của TP Hồ Chí Minh đang đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không điều chỉnh giá.

Sau hơn 1 năm không điều chỉnh giá bán bình ổn, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản vừa buộc phải điều chỉnh tăng 5 - 15% giá thực phẩm chế biến do chi phí tăng cao. Doanh nghiệp chia sẻ với người tiêu dùng bằng cách giữ nguyên giá thịt tươi sống, thấp hơn giá thị trường 12%. Dù lợi nhuận bị ảnh hưởng trực tiếp và hoạt động kinh doanh mảng thịt tươi sống gặp khó khăn, doanh nghiệp vẫn cầm cự, theo dõi diễn biến thị trường.

“Thế khó” của doanh nghiệp bình ổn trước áp lực giữ giá - Ảnh 1.

Chi phí đầu vào ngày càng tăng gây áp lực lớn lên giá cả hàng hóa. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi không tăng giá sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận, đồng thời ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động. Như vậy, chúng tôi sẽ không giữ chân được người lao động", ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản, cho biết.

Trong khi đó, giá trứng bình ổn Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đăng ký với Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đang là 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt, thấp hơn giá thành của doanh nghiệp và chênh lệch khoảng 12 - 15% so với giá bán trên thị trường.

"Khi có sự chênh lệch giá như vậy thì số lượng bán trong kênh bình ổn tăng lên khá nhiều. Số lượng phát sinh thêm hiện chúng tôi phải thu mua bên ngoài và chịu giá chênh lệch lớn, buộc phải gồng lỗ", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ.

Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh nhận định, các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn của thành phố đang ở "thế khó". Nếu đầu tháng 4, khi nói đến vấn đề tăng giá bán, nhiều doanh nghiệp còn tỏ ra ngần ngại, thì nay, với áp lực chi phí ngày càng tăng, không ít doanh nghiệp thẳng thắn đề cập tới việc điều chỉnh giá. Tuy nhiên, với nhiệm vụ điều tiết thị trường, các doanh nghiệp sẽ phải tính toán rất cẩn thận.

"Nếu tình hình vẫn như hiện nay, thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ xin phép được tăng giá để điều chỉnh giá chứ không phải lập mặt bằng giá mới. Mức tăng sẽ ở mức từ 5 - 10%", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, nhận định.

Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, qua theo dõi, chênh lệch giá bán một số thực phẩm trong và ngoài chương trình bình ổn đã cao hơn mức quy định. Mặc dù chưa nhận được phản ánh trực tiếp từ doanh nghiệp, nhưng Sở đã tính toán và sẽ chủ động làm việc với Sở Tài chính để xem xét điều chỉnh giá bình ổn cho doanh nghiệp. Ngành chức năng sẽ theo sát diễn biến đảm bảo bình ổn thị trường, hỗ trợ người tiêu dùng.

TP Hồ Chí Minh không tăng lãi suất với doanh nghiệp tham gia bình ổn TP Hồ Chí Minh không tăng lãi suất với doanh nghiệp tham gia bình ổn

VTV.vn - Các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cần giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để giữ ổn định giá cả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước