5 doanh nghiệp bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.
Nguyên nhân các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị xử phạt là thiếu điều kiện kinh doanh như thiếu cửa hàng sở hữu và cửa hàng chung, thiếu đại lý hoặc thiếu kho, cầu cảng, phương tiện vận tải theo quy định đăng ký...
Các doanh nghiệp trên bị tạm tước giấy phép trong một tháng, từ ngày 31/8. Thông tin xử phạt nêu trên được đưa ra tại văn bản Thanh tra Bộ Công Thương gửi tới 5 doanh nghiệp vi phạm.
Trước đó, 7 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng bị phạt hành chính và tạm tước giấy phép kinh doanh 1 - 1,5 tháng. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được nhà chức trách trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác tới ngày 14/9 sẽ được hoàn trả giấy phép.
Thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị xử phạt do các vi phạm liên quan trong quá trình thanh tra của Bộ Công Thương. Ảnh minh họa.
Thị trường xăng dầu trong nước từ sau kỳ điều hành ngày 22/8 đến nay có nhiều xáo trộn, khi nguồn cung hàng khan hiếm cục bộ, loạt cây xăng treo bển hết hàng, đóng cửa. Đại diện các cửa hàng lý giải là doanh nghiệp đầu mối không cấp hàng hoặc cấp số lượng ít; chiết khấu 0 đồng trên mỗi lít xăng dầu khiến họ thua lỗ.
Trước tình trạng này, Bộ Công Thương đã lập 3 đoàn công tác do 3 Thứ trưởng phụ trách, kiểm tra tình hình xăng dầu tại các địa phương.
Theo đó, Tổ công tác số 1 do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm Tổ trưởng, đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), các Cục QLTT, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Bắc và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời, tiếp nhận thông tin, phản ánh và chỉ đạo kịp thời hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn nêu trên.
Tổ công tác số 2 do Thứ trưởng Đặng Hoàng An làm Tổ trưởng, phụ trách địa bàn các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa.
Tổ công còn lại do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân làm Tổ trưởng, triển khai các nhiệm vụ như trên tại các tỉnh, TP thuộc khu vực miền Nam và các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Các tổ công tác giám sát việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt các cơ sở có biểu hiện vi phạm khi ngừng bán hàng không có lý do chính đáng, giảm thời gian bán hàng sai quy định.
Cả 3 Tổ công tác sẽ thực hiện nhiệm vụ đến hết ngày 31/12/2022.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!