Chuyên gia kinh tế đánh giá, người Mỹ đang dám mạnh tay chi tiêu hơn. (Ảnh: AP)
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, doanh số bán lẻ tại Mỹ đã tăng 1,9% trong tháng 9 vừa qua, đạt 549 tỷ USD, vượt qua kỳ vọng và phục hồi sau 4 tháng liên tục tăng trưởng chậm.
Doanh số bán lẻ phục hồi đã phần nào xoa dịu một số lo ngại rằng việc giảm dần kích thích tài khóa và việc chương trình trợ cấp thất nghiệp hết hạn sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng. Chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.
Ông Gregory Daco, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics, công bố doanh số bán lẻ tháng 9/2020 rất đáng lạc quan, tuy nhiên nói thêm rằng nếu nhìn vào triển vọng dài hạn, triển vọng tiêu dùng của người dân kém lạc quan. Ông muốn nhắc đến tình trạng bế tắc của gói kích thích tài khóa mà Quốc hội và Tổng thống Trump không thể thông qua được.
Đến nay, tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ. (Ảnh: AP)
Một số số liệu kinh tế khác cho thấy kinh tế Mỹ đang mất đà phục hồi. Tăng trưởng việc làm tính theo tháng chững lại trong những tháng gần đây. Số lượng người nộp đơn xin thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng lên mức cao nhất tính từ cuối tháng 8/2020. Sản xuất công nghiệp Mỹ giảm trong tháng 9/2020, 4 tháng tăng trưởng mạnh chấm dứt, theo công bố của FED.
Chuyên gia kinh tế đánh giá, người Mỹ đang dám mạnh tay chi tiêu hơn. Trong tháng 8/2020, người dân dành ra 14,1% thu nhập khả dụng để chi tiêu trong khi đó cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này chỉ là 7,3%. Đáng nói, họ vẫn chi tiêu mạnh dù chương trình trợ cấp thất nghiệp 600 USD/tuần đã kết thúc từ cuối tháng 7/2020.
Đến nay, tiêu dùng vẫn là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Mỹ. Dù tiêu dùng có phục hồi trở lại trong những tháng gần đây lên trên ngưỡng trước đại dịch COVID-19, nhiều loại hình dịch vụ khác vẫn chưa phục hồi, trong đó có thể kể đến dịch vụ nha khoa, du lịch hay thể thao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!