Thị trường chứng khoán: Chấn chỉnh ngắn hạn, phát triển dài hạn

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 20/04/2022 20:41 GMT+7

VTV.vn - Nhằm đảo bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp đồng bộ.

Thị trường chứng khoán giảm điểm

Hôm nay (20/4), VN-Index tiếp tục giảm gần 22 điểm, xuống còn chưa đến 1.385 điểm. Lực bán mạnh gia tăng chỉ trong 30 phút cuối phiên đã khiến chỉ số này không giữ được ngưỡng tâm lý 1.400 điểm. Đây là phiên thứ 5 liên tiếp trong chuỗi giảm 8/9 phiên vừa qua, lấy đi 140 điểm của chỉ số VN-Index và là chuỗi giảm dài lần thứ hai kể từ đầu năm nay.

GAS, GVR và VHM là 3 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên VN-Index, khi chỉ riêng 3 cổ phiếu này đã khiến chỉ số chung mất hơn 8 điểm. Trong số 30 mã cổ phiểu đứng đầu thị trường hay còn gọi là rổ VN30 vẫn có 10 mã xanh, cũng không thể đỡ lại được sức ép giảm giá phiên chiều này.

Còn cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là nhóm chịu áp lực lớn nhất khi trong 3 phiên đầu tuần, mỗi phiên có trung bình 150 mã giảm sàn. Hoạt động bán giải chấp, cộng với tâm lý bán tháo tại 1 bộ phận nhà đầu tư được cho là nguyên nhân khiến thị trường vẫn tiếp tục đà giảm mạnh trong các phiên chiều.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho hay: "Thông tin thất thiệt trên thị trường ảnh hưởng rất lớn tâm lý nhà đầu tư. Trong điều kiện tâm lý tiêu cực thì làm quá trình giải chấp kéo dài và đến thời điểm này mức độ sụt giảm lớn. Hiện tại ngoài những cổ phiếu đầu cơ giảm, những cổ phiếu bluechip đã chững lại đà giảm, thậm chí phiên hôm nay nhiều cổ phiếu đã hồi phục trở lại".

Nhà đầu tư ngoại tin tưởng vào Việt Nam

Tâm lý luôn là yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là khi thị trường đang điều chỉnh mạnh như hiện nay.

Trong khi các nhà đầu tư trong nước bán tháo chứng khoán trên các sàn, các nhà đầu tư nước ngoài lại đánh giá cao những động thái chấn chỉnh thị trường vừa qua của các cơ quan chức năng. Kỳ vọng vào một thị trường minh bạch và có nhiều tiềm năng, các nhà đầu tư nước ngoài đã liên tiếp mua dòng trong các phiên giao dịch gần đây.

Thị trường chứng khoán: Chấn chỉnh ngắn hạn, phát triển dài hạn - Ảnh 1.

Tâm lý luôn là yếu tố quan trọng trong mỗi quyết định của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh minh họa.

GDP quý I tăng trên 5% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước đã cho thấy đà phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch trung bình một phiên trên thị trường cổ phiếu lên tới 30.845 tỷ đồng/phiên, tăng gần 16% so với năm ngoái. Xét về quy mô giao dịch, Việt Nam hiện đã vượt qua Singapore và đứng thứ 2 ASEAN, chỉ xếp sau Thái Lan.

Số lượng tài khoản mở mới trong quý I đạt trên 676,6 nghìn tài khoản, tương đương một nửa số tài khoản mở mới của cả năm ngoái.

Ông Tsuyoshi Imai - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Nhật Bản cho biết: "Những quyết tâm xử phạt của Chính phủ với các chủ doanh nghiệp sai phạm đã làm tăng niềm tin của cộng đồng quốc tế rất nhiều. Đây là hành động cần thiết để thị trường Việt Nam bước lên những nấc thang mới. Tôi phải nói là về dài hạn đây là các hành động rất tích cực".

Trái ngược với lực bán của nhà đầu tư cá nhân, trong 6 phiên thị trường giảm điểm vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng hơn 2300 tỷ đồng.

Định giá rẻ kết hợp với một nền kinh tế đang thích nghi với dịch COVID-19 được dự báo có tốc độ phục hồi và tăng trưởng kinh tế nhanh trong năm 2022 đang là luận điểm đầu tư bền vững của dòng vốn ngoại trong trung và dài hạn.

Phát triển thị trường bền vững trong dài hạn

Thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững trong trung và dài hạn sẽ không thể có chỗ cho những "con sâu làm rầu nồi canh". Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng trong phát triển thị trường chứng khoán mà các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới quyết tâm đảm bảo sự minh bạch và quyền lợi bền vững cho nhà đầu tư.

Nhằm đảo bảo thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ như tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường và đặc biệt là đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, xử lý đúng và trúng đối tượng vi phạm.

Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo các bên đảm bảo ủng hộ, giám sát kiểm tra tránh vấn đề thao túng, đặc biệt là cổ phiếu như đưa thông tin sai lệch hay dùng nhiều tài khoản giao dịch bất thường, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh. Doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải ủng hộ hết mức để thị trường phát triển bền vững".

Thị trường chứng khoán: Chấn chỉnh ngắn hạn, phát triển dài hạn - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững trong trung và dài hạn sẽ không thể có chỗ cho những "con sâu làm rầu nồi canh". Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Hệ thống hạ tầng công nghệ chứng khoán mới trên thị trường cũng đang được gấp rút hoàn thiện, từ đây nhiều sản phẩm mới sẽ có nền tảng để triển khai, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt đồng đầu tư trên thị trường.

Hiện nay tính biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn lớn do nhà đầu tư cá nhân vẫn đang chiếm khoảng 80% giá trị giao dịch trên thị trường, nên thời gian tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, nâng cao tỷ lệ đầu tư của tổ chức, hướng tới cầu đầu tư bền vững.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, việc cơ quan chức năng kiểm soát giao dịch của một số nhóm người thao túng thị trường chứng khoán cũng như đang kiểm tra chấn chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của một số doanh nghiệp chỉ gây ảnh hưởng đến một số mã chứng khoán. Ngoài ra, việc chỉ số chứng khoán giảm còn là do xu thế chung của thị trường thế giới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước