Áp lực rút vốn ròng tại các thị trường mới nổi
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, tiếp nối Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm lên 3%.
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Như vậy chỉ tính riêng trong năm nay, mặt bằng lãi suất đã được các ngân hàng trung ương điều chỉnh tăng hơn 3%. Đây là mức tăng rất mạnh trong khoảng thời gian ngắn. Điều này hàm ý áp lực đối với tỷ giá và lãi suất trong nước hiện hữu đồng nghĩa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải tiếp tục nâng lãi suất điều hành đi cùng với việc tăng tỷ giá nhằm đảm bảo các cân đối vĩ mô.
Đây không chỉ là xu hướng ghi nhận ở Việt Nam, mà còn ở nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Lãi suất tăng nhanh và mạnh đối với cả lãi suất cho vay và huy động ở nhiều quốc gia trong thời gian ngắn gây nên áp lực rút vốn ròng trên các thị trường tài sản tại các thị trường mới nổi và kéo theo các rủi ro định giá lại tài sản tiếp diễn, VCBS nhận định.
Thực tế, sau tuần hồi phục nhẹ trước đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã quay lại trạng thái điều chỉnh trong tuần qua (từ 31/10 - 4/11). Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 30,21 điểm xuống 997,15 điểm, HNX-Index giảm 9,17 điểm xuống 204,56 điểm.
Thị trường giảm điểm trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều điều chỉnh.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất trong tuần qua với mức giảm 8,5% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu cho việc này đến từ việc nhóm ngành thép giảm mạnh với các đại diện như: NKG giảm 17,5%, HPG giảm 12,8%, HSG giảm 9,4%... do chịu ảnh hưởng từ báo cáo kết quả kinh doanh tiêu cực trong quý III/2022. Bên cạnh đó, cổ phiếu hóa chất cũng giảm rất mạnh. Cụ thể, DCM giảm 8,9%, DGC giảm 8,3%, DPM giảm 8,1%...
Ngành dịch vụ tiêu dùng cũng giảm rất mạnh với 8,5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do đà giảm mạnh từ cổ phiếu bán lẻ như: MWG giảm 13,4%, DGW và FRT đều giảm 11,3%...
Nhóm tài chính giảm 5,1% giá trị vốn hóa; trong đó, cổ phiếu bất động sản có DIG giảm 12,6%, IDC giảm 8,4%, KBC giảm 7,3%, DXG giảm 6,3%...; cổ phiếu bảo hiểm BMI giảm 11%, BVH giảm 4,8%, PVI giảm 2,5%...
Các ngành còn lại đều giảm như công nghệ thông tin giảm 3,9% giá trị vốn hóa, công nghiệp giảm 3,1%, dầu khí giảm 2,6%, dược phẩm và y tế giảm 2,5%, hàng tiêu dùng giảm 0,8%, ngân hàng và tiện ích cộng đồng đều giảm 0,5%.
Khối ngoại bán ròng mạnh trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng đạt 549,13 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, HPG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 74,2 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là KBC và HDB với lần lượt 16,9 triệu cổ phiếu và 4,8 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, FUESSVFL là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 21,8 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11/2022 đang thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30, với mức 17,92 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang nghiêng về khả năng thị trường có thể tiếp tục điều chỉnh trong tuần tới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực bán tương đương thời điểm khủng hoảng do đại dịch COVID-19 tháng 3/2020, cùng với những biến động vĩ mô liên quan đến lãi suất, tỷ giá, thị trường trái phiếu... dẫn tới việc khó xác định liệu thị trường đã hình thành đáy dài hạn hay chưa.
Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, VN-Index đã có phản ứng hồi phục tại vùng hỗ trợ quanh 988 điểm, tuy nhiên nỗ lực hồi phục còn khá khiêm tốn khi chỉ số chưa thể vượt lên trở lại ngưỡng 1.000 điểm.
Diễn biến này cho thấy, thị trường nhiều khả năng sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh trong tuần tới. Chỉ số vẫn nằm trong xu hướng giảm ngắn hạn nên rủi ro thị trường quay lại kiểm tra đáy, thậm chí phá đáy vẫn có nguy cơ xảy ra.
"Dù vậy, chúng tôi hiện không đánh giá cao kịch bản này do vùng 930 - 1.000 điểm đang là vùng định giá hấp dẫn đủ sức kích hoạt dòng tiền đầu tư trung dài hạn", BVSC nêu quan điểm.
Sức ép với thị trường chứng khoán thế giới
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tương đồng với các thị trường chứng khoán thế giới khi cùng chịu sức ép từ xu hướng tăng lãi suất.
Theo đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,39%, kết thúc bốn tuần tăng. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 3,34%, và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 5,65%, mức giảm tính theo phần trăm mạnh nhất theo tuần kể từ tháng Một.
Những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào ngày 2/11 đã làm gia tăng lo ngại Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian dài hơn dự kiến và gây thêm sức ép lên thị trường chứng khoán.
Ông Powell đã nói đến khả năng giảm tốc độ, nhưng cần tiếp tục tăng lãi suất vượt mức 4,6% mà ngân hàng này đưa ra tại cuộc họp vào tháng Chín.
Thực tế, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra ở nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Cụ thể, ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng lớn nhất trong 33 năm, để kiểm soát lạm phát dự báo tăng cao kỷ lục lên khoảng 11%.
Quyết định này đưa lãi suất của Anh lên 3%, mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. BOE cho biết, nước Anh đang rơi vào tình trạng suy thoái dự báo kéo dài đến giữa năm 2024. Tăng lãi suất là giải pháp mà nhiều ngân hàng trung ương thực hiện để kiềm chế tốc độ tăng lạm phát hiện đã lên mức kỷ lục ở nhiều nước.
Tại Anh, lạm phát đã vượt 10%, mức cao nhất trong 40 năm qua do giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao, trong khi nước này vừa trải qua đợt khủng hoảng của thị trường tài chính do kế hoạch ngân sách của cựu Thủ tướng Liz Truss.
Hiện Tân Thủ tướng Rishi Sunak đang nỗ lực bình ổn thị trường với kế hoạch tăng thuế cho dự thảo ngân sách công bố ngày 17/11, ngay cả khi việc làm này có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế Anh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!