Nhóm ngân hàng trên HOSE sáng nay phân hóa trong dải dao động hẹp. Dù VCB, BID giảm giá, CTG dao động quanh tham chiếu, nhưng nhiều mã ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng giá trở lại, như TPB, TCB, STB, HDB. SHB là cổ phiếu cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất trong nhóm với mức 2%.
Những thông tin về lợi nhuận 9 tháng tăng gần 94% so với cùng kỳ năm 2020 của SHB cũng chưa giúp SHB tránh được 3 phiên giảm liên tiếp từ khi chào sàn HOSE. Đến nay, gần 10 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 3, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đa phần hơn 30%, nhưng dòng tiền của nhà đầu tư chứng khoán với nhóm này vẫn khá thận trọng
Cũng có kết quả kinh doanh báo lãi trong quý 3, nhưng ở một diễn biến trái ngược là nhóm chứng khoán, 100% cổ phiếu nhóm này tăng giá. Mức tăng trên dưới 2% thuộc về các cái tên như APS, MBS, SHS. Còn các cổ phiếu có thị phần môi giới lớn như SSI, HCM, VN, mức tăng lại dưới 0,5%. Xét về toàn nhóm, chứng khoán tăng khoảng 0,65%.
Giá dầu tăng, các cổ phiếu phân bón tiếp tục duy trì được đà tăng tích cực. SFG tăng trần lên 15.850 đồng/cổ phiếu. DCM tăng 3,1%, DDV tăng 2,1%, LAS tăng 1,5%. Tương tự, nhóm cổ phiếu săm lốp cũng đồng loạt tăng DRC tăng 3%, GVR tăng 2,8%.
Theo thông tin từ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), tình hình sản xuất kinh doanh thuận lợi từ sự trở lại mạnh mẽ của ngành công nghiệp, nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới và cả trong nước giúp cho việc tiêu thụ phân bón, lốp xe.
Nhóm dầu khí cũng có được sắc xanh, PVD của Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí tăng hơn 2%, GAS hay BSR cũng tăng hơn 1,3%. Những cổ phiếu khác trong nhóm ngành cũng có được mức tăng trên dưới 0,5%. Những kỳ vọng hưởng lợi từ giá dầu thế giới tiếp tục tác động đến quyết định của nhà đầu tư.
Bất chấp việc kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm, công ty mẹ PV Drilling (mã PVD) lỗ 116 tỷ đồng, dự kiến tháng 9, công ty này khó có thể thoát lỗ. Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) ước doanh thu hợp nhất đến hết tháng 9 đạt 8.960 tỷ đồng giảm 31% so với cùng kỳ. Hay OIL, sản lượng kinh doanh toàn hệ thống trung bình quý III giảm 23% so với trung bình quý II và giảm 20% so với trung bình 6 tháng đầu năm. Công ty mẹ PVOil bị lỗ trong tháng 8.
Quý III/2021 cũng chứng kiến kết quả kinh doanh thê thảm của các doanh nghiệp ngành rượu - bia - nước giải khát khi đồng loạt thua lỗ hoặc sụt giảm lợi nhuận. Bia Hà Nội - Hải Dương (HNX: HAD) lợi nhuận gộp quý 3 giảm tới 36%, chỉ còn 51,2 tỷ đồng, Bia Sài Gòn miền Trung cũng giảm hơn 33%.
Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 2,58 điểm, tương đương 0,19% lên 1.394,49 điểm. Thanh khoản đạt 409 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 12.000 tỷ đồng.
So với VN-Index, HNX-Index tăng mạnh 4,69 điểm tương đương 1,24% lên 384.03 điểm. Thanh khoản đạt 65 triệu đơn vị, với gần 1.445 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!