Sớm khắc phục những khó khăn, thách thức do dịch COVID-19; tích cực triển khai các hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh... những nỗ lực này của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đã tạo hiệu ứng rõ rệt đối với thị trường lao động, việc làm từ đầu năm tới nay.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện 50,5 triệu người đang có việc làm; tăng gần 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của quý II năm nay cũng đã giảm xuống 2,32% - mức thấp nhất trong 10 quý liên tiếp.
Rõ ràng thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc, không chỉ qua các con số thống kê về công ăn việc làm, số người gia nhập lực lượng lao động mà thu nhập và đời sống của người lao động cũng đã được cải thiện hơn.
Thị trường lao động đang có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc.
Lực lượng lao động, số người có việc làm, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II năm nay đều tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được chính phủ tiếp đẩy mạnh. Từ đầu năm tới nay, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đã vượt mốc 100 nghìn, tăng mạnh 25% so với cuối năm ngoái. Đây là yếu tố tác động trực tiếp tới sự khởi sắc của thị trường lao động việc làm.
Ông Tim Evans - Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: "Việt Nam tiếp tục là thị trường có sức cạnh tranh về chi phí sản xuất và lực lượng lao động. Chính phủ đã có các chính sách với giải pháp cụ thể như hỗ trợ người lao động quay trở lại nhà máy, doanh nghiệp được triển khai đồng bộ trên cả nước đã góp phần thúc đẩy thị trường lao động, qua đó thúc đẩy kinh tế và an sinh xã hội cải thiện mạnh mẽ".
Dự báo từ nay tới cuối năm vẫn cần thêm khoảng 900 nghìn lao động phục vụ cao điểm sản xuất cuối năm. Điểm sáng là thị trường lao động việc làm đang phục hồi mạnh mẽ nhưng khó khăn là vấn đề thiếu hụt lao động, đặc biệt là ở vùng trọng điểm kinh tế phía Nam và thiếu lao động chuyên môn cao.
Trong một báo cáo gần đây, có tới hơn một nửa số doanh nghiệp Đức tại Việt Nam chia sẻ tìm nguồn lao động công nghệ cao là một trong những trăn trở lớn khi quyết định mở rộng đầu tư tới đây.
Chủ động nâng cao chất lượng nguồn lao động
Rõ ràng là thị trường lao động, việc làm vẫn cần những nút thắt cần tháo gỡ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta mới đạt khoảng 26%. Tỉ lệ này so với các nước có thu nhập trung bình còn rất thấp.
Vì vậy, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề, đào tạo kỹ năng nghề... là 1 trong 9 giải pháp được Thủ tướng chính phủ đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc mới đây về "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập".
Thực tế cũng đang cho thấy, sự chủ động nguồn nhân lực có tay nghề sẽ giúp các doanh nghiệp và nền kinh tế gỡ các nút thắt về thiếu hụt lao động.
Nhiều doanh nghiệp đang chủ động nâng cao chất lượng nguồn lao động.
Chủ động thuê chuyên gia nước ngoài đào tạo là cách nhiều doanh nghiệp xây dựng đội ngũ lạo động nắm bắt được các xu hướng thời trang mới trên thế giới, từ đó dần chuyển dịch làm thuê, sản xuất gia công đơn thuần sang làm chủ thương hiệu, sản phẩm.
Anh Lê Huy Tiến - Giám đốc Công ty Giày dép Huy Hoàng cho hay: "Nếu mình tự thiết kế được thì sẽ tốt hơn và sức cạnh tranh sẽ nhiều hơn, các sản phẩm bán ra có giá trị gia tăng cao hơn ở mỗi sản phẩm từ 30 - 40%".
Chủ động nguồn nhân lực thiết kế cũng giúp doanh nghiệp cho ra đời những sản phẩm thời trang thương hiệu Việt mẫu mã bắt mắt, giá thành chỉ bằng 50% so với hàng ngoại nhập.
"Với chúng tôi, đội ngũ thiết kế là không thể thiếu và các bạn ấy đều có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm, có như vậy mới đủ độ chín, độ cứng để hiểu về sản phẩm, hiểu về thị trường", bà Hà Bùi - Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần Đầu tư Phát triển SOHEE cho hay.
Công ty Goertek Việt Nam có lực lượng hơn 30.000 công nhân chuyên sản xuất linh kiện thiết bị điện tử cho các loại máy tính, điện thoại cao cấp. Để đảm bảo nguồn lao động kỹ thuật cho sản xuất, doanh nghiệp đã áp dụng mô hình liên kết với cơ sở đào tạo nghề. Học viên vừa học, vừa về thực tập tại nhà máy. Học xong là có vị trí làm việc cụ thể ngay trong các dây chuyền.
"Khi các em xuống đây học thì chúng tôi đã có kế hoạch việc làm cho các em. Chúng tôi tiết kiệm lên tới hàng tỷ đồng chi phí tuyển dụng và đào tạo lại lao động như trước đây", ông Yoshinaga Kazuyoshi - Tổng Giám đốc Goertek Việt Nam cho hay.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: "Đây là sự chủ động tịch cực của doanh nghiệp và người chủ sử dụng lao động, để doanh nghiệp phát triển và phát triển bền vững, hội nhập được với nền kinh tế khu vực và quốc tế. Đây chính là 1 trong 9 giải pháp mà chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã đưa ra trong chỉ đạo điều hành, phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn tới".
Trong 9 giải pháp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phát triển thị trường lao động bền vững, có tới 4 giải pháp liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Chính phủ cũng đang dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc đào tạo, dạy nghề và dự kiến sẽ bố trí thêm nhằm góp phần đảm bảo nguồn lao động có tay nghề trong thời gian tới.
Tại Hội nghị "Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập", Thủ tướng nhấn mạnh, 9 giải pháp quan trọng trên tinh thần nâng cao nhận thức về thị trường lao động, coi lao động là hàng hóa đặc biệt để có cơ chế, chính sách phù hợp. Xác định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng… để góp phần tạo công ăn việc làm, sinh kế và nâng cao đời sống cho nhân dân, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!