Sự cố hàng không nghiêm trọng của Boeing đầu tháng 1, khi chiếc 737 MAX bị bung cửa khi đang bay ở độ cao 4.000m đã khiến hãng này rơi vào khủng hoảng. Đó cũng là một phần lý do khiến thị trường máy bay cũ lên ngôi, khi các nhà sản xuất máy bay phải thận trọng hơn trong sản xuất.
Reuters có bài phân tích khủng hoảng Boeing 737 MAX làm tăng thêm nhu cầu về máy bay cũ. Công ty chuyên cho thuê máy bay Avolon cho biết, ngành hàng không hiện thiếu khoảng 3.000 chiếc, bởi gián đoạn sau đại dịch và tắc nghẽn tại Boeing và Airbus. Boeing thì thận trọng, hạn chế sản xuất sau sự cố "bung cửa" máy bay. Điều này gây áp lực buộc các hãng phải kéo dài thời gian bay với những chiếc máy bay cũ.
CNBC dẫn lời Giám đốc điều hành của hãng United Airlines vốn sở hữu tới 79 máy bay 737 MAX 9, bày tỏ nghi ngờ khi Boeing đã chậm trễ giao đơn hàng máy bay 737 MAX 10. Năm 2018, hãng này đã đặt 100 chiếc Boeing MAX 10, dự kiến 2 năm sau hoàn thành để thay thế số máy bay cũ nhưng đến nay vẫn chưa có hàng.
Thị trường máy bay cũ đang “lên ngôi” . Ảnh minh họa.
Năm 2024, một chiếc máy bay chở khách có tuổi thọ trung bình là 16 năm, đã tăng thêm 2 năm so với năm 2019. Thông thường máy bay thường được sử dụng trong vòng 25 năm, nhưng cũng có thể bay lâu hơn nếu được bảo dưỡng đúng quy trình.
Theo CNBC, các công ty bảo trì đang hưởng lợi. Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không phục hồi nhanh chóng, làm bùng nổ dịch vụ bảo trì, sửa chữa và đại tu cho máy bay cũ. Dự kiến, ngành này sẽ tăng trưởng 22% với doanh số đạt khoảng 94 tỷ USD.
Giá thuê máy bay giờ đã tăng cao hơn trước. Hơn 50% đội tàu bay trở khách toàn cầu thuộc sở hữu của bên cho thuê. Ví như một chiếc Boeing 737-800 có tuổi đời 10 năm, giá thuê mỗi tháng, vào tháng 1 năm nay đang là khoảng 220.000 USD, cao hơn nhiều so với mức 183.000 USD của một năm trước. Bài báo đưa ra cảnh báo, trong 2 năm tới, các nhà sản xuất và hãng hàng không còn đối mặt với nhiều khó khăn như chi phí tăng cao, thiếu phụ tùng và lao động lành nghề.
Báo chí Mỹ cũng cho biết, không chỉ máy bay cũ, kể cả một chiếc máy bay đã "nghỉ hưu" sau hàng thập niên bay trên bầu trời thì đến cuối đời cũng đáng giá hàng triệu USD. Những linh kiện cũ có giá trị như động cơ, thiết bị hạ cánh… đều có thể được tái sử dụng, nhất là khi chuỗi cung ứng linh kiện vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!