Thị trường ví điện tử đang phát triển không đồng bộ

Trường Chinh (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ hai, ngày 08/10/2018 11:42 GMT+7

VTV.vn - Các DN ví điện tử tại Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn là sự phát triển không đồng bộ xét trên phương diện toàn thị trường, gây bối rối và bất tiện cho người dùng.

Mới đây, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo của Grab, hãng công nghệ đang có động thái lấn sân sang lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam đã có những đề xuất đáng chú ý lên Chính phủ. Ví dụ như đề xuất doanh nghiệp được phép mở tài khoản ví điện tử mà không phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng hay cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử. Điều này cho thấy, tính tiện lợi của ví điện tử luôn là vấn đề được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này đặc biệt quan tâm.

Có doanh nghiệp nhận định, mặc dù trên thị trường hiện đã có gần 30 ví điện tử nhưng xét ra, ví nào cũng giống ví nào vì chủ yếu dùng để thanh toán tiền điện, nước hay cước điện thoại. Có những dịch vụ mà phải 1 tháng người dùng mới sử dụng 1 lần. Trong khi đó, cái đích mà doanh nghiệp ví điện tử thực sự nhắm đến là thị trường bán lẻ Việt Nam, kích thích người ta phải dùng hàng ngày để ăn uống, mua sắm... thì hiện chưa có doanh nghiệp nào có độ phủ đủ lớn để thuyết phục người dùng lựa chọn thay cho các hình thức thanh toán thông thường.

Là "người đến sau" trên thị trường ví điện tử, Zalo dùng lợi thế có sẵn nền tảng mạng xã hội 100 triệu người dùng để thuyết phục các đối tác bán lẻ của mình chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử Zalo Pay. Mục tiêu có 1.000 điểm chấp nhận thanh toán trong năm nay, kể cả những điểm rất nhỏ lẻ như quán cà phê, hàng tạp hóa. Tuy nhiên, để thuyết phục người dùng thực sự có giao dịch với 1.000 điểm này mới là vấn đề đau đầu.

Ví điện tử Momo đã vào thị trường ngay từ đầu có độ phủ lớn nhất hiện nay với hàng trăm loại hình dịch vụ, hàng chục nghìn điểm chấp nhận thanh toán. Nhưng con số này không thấm vào đâu vì đó chỉ là nỗ lực của riêng doanh nghiệp để có được cái gật đầu của từng đối tác là ngân hàng hoặc nhà bán lẻ.

Để đạt đến một độ phủ đủ lớn để người dùng thực sự cảm thấy ví điện tử tiện lợi, doanh nghiệp cho rằng cốt lõi vẫn là sự hỗ trợ từ chính sách - chính sách đủ để 3 bên doanh nghiệp ví điện tử - ngân hàng - đối tác bán lẻ đều cảm thấy có lợi.

Giới chuyên gia cũng cho rằng việc có chính sách để kết nối mạng lưới thanh toán của các loại ví điện tử lại với nhau là rất quan trọng vì nếu cứ để mỗi một ví điện tử tự phát triển độ phủ của riêng mình cũng không khác gì phát triển kiểu "da beo", không đồng bộ, gây bối rối, bất tiện cho chính người dùng.

Grab chuyển đổi dùng ví điện tử Moca từ 1/10 Grab chuyển đổi dùng ví điện tử Moca từ 1/10 Ăn mày thời công nghệ: Chê tiền mặt, chuyển sang dùng ví điện tử và QR Code Ăn mày thời công nghệ: Chê tiền mặt, chuyển sang dùng ví điện tử và QR Code New Life không phải là ví điện tử New Life không phải là ví điện tử

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước