Thiếu hành lang pháp lý với hình thức cho vay ngang hàng

Linh Thủy - Thanh Xuân - Quang Lâm (Ban Thời sự)-Thứ tư, ngày 24/10/2018 15:29 GMT+7

VTV.vn - Hình thức cho vay ngang hàng là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới, không cần qua ngân hàng.

Thời gian qua, những loại hình cho vay mới đã ra đời, bao gồm cả cho vay chính thống lẫn tín dụng đen. Gần đây, xuất hiện một hình thức mới với tên gọi là cho vay ngang hàng. Theo đó, mọi thứ được kết nối nhanh chóng qua Internet, ngồi bất kỳ địa điểm nào cũng có thể vay hoăc cho vay tiền dựa trên nền tảng công nghệ. Cũng chính vì còn quá mới mẻ, nên việc hiểu rõ thông tin là đặc biệt cần thiết để người tiêu dùng tránh rơi vào rủi ro .

Vay siêu dễ, vay không cần thế chấp, vay tiền nhanh trong ngày, vay rẻ nhất, vay tiền online… đó là những lời quảng cáo đầy hấp dẫn trên các ứng dụng vay ngang hàng. Giống như Uber, Grab là kết nối người có ô tô rảnh rỗi với người có nhu cầu di chuyển, các công ty cho vay ngang hàng đã giúp người đi vay và cho vay kết nối trực tiếp với nhau bằng một nền tảng chung thông qua Internet. Từ đó, hai bên có thể trực tiếp liên lạc và thỏa thuận về thời hạn, lãi suất và cả phí trả nợ quá hạn.

"Giao dịch chỉ thực sự diễn ra khi đơn vị cho vay đã gặp gỡ với người vay. Họ có những thẩm định, đánh giá về khả năng trả nợ của người vay hay không. Vì vậy, chúng tôi không có trách nhiệm khi xảy ra nợ xấu", ông Trần Thế Vĩnh - Tổng Giám đốc Tima Group - cho biết.

Khoản vay trực tuyến phổ biến nhất hiện nay là từ 1.000.000 - 30.000.000 đồng trong thời gian 30 ngày. Tuy nhiên, hiện pháp luật chưa công nhận hình thức cho vay này. Ngoài ra, lãi suất cho vay trực tuyến gần như đang thả nổi, khiến nhiều nơi áp mức lãi suất cắt cổ người vay, thậm chí được so sánh như tín dụng đen biến tướng.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế: "Tôi thấy tại các nước, lãi suất đối với hình thức vay ngang hàng ở mức trung bình và không cao hơn so với cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, hình thức cho vay này đã bị biến tướng, lãi suất có thể lên tới 700% một năm. Đây là con số rất kinh khủng, vì vậy phải chăng chúng ta cần nghiên cứu áp trần lãi suất. Tuy nhiên, nếu áp trần đối với việc cho vay ngang hàng sẽ phải có cơ chế thanh tra giám sát như thế nào?".

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức dù có nhu cầu rất lớn về vay mượn. Mô hình công nghệ cho vay ngang hàng sẽ xóa bỏ rào cản, e ngại khi người Việt muốn vay vốn nhanh cho những nhu cầu thiết yếu và chính đáng. Tuy nhiên, khi hình thức này vẫn nằm "ngoài vòng pháp luật", cả người đi vay và người cho vay sẽ khó nhận được sự bảo vệ khi có tranh chấp, rủi ro xảy ra.

Cho vay ngang hàng: Mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro Cho vay ngang hàng: Mô hình tiềm ẩn nhiều rủi ro

VTV.vn - Chỉ cần chứng minh thư, thủ tục rút gọn, giải ngân nhanh, chính là cái bẫy khiến người vay gặp nhiều rủi ro liên quan tới khoản vay trong khi pháp luật chưa có quy định.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước