Báo cáo của SSI cho thấy năm 2019 tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt tới 280.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Sự bùng phát mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sự sôi động của thị trường tài chính nhưng cũng đặt ra lo ngại về khả năng quản lý không theo kịp tốc độ huy động vốn.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp. Dù đầu tư nhiều nhưng việc tiếp cận các thông tin về trái phiếu của doanh nghiệp vẫn rất khó khăn. Tất cả các thông tin như chất lượng trái phiếu, sự minh bạch về dự án, tiến độ sử dụng vốn… đều chỉ được cung cấp từ 1 kênh là tổ chức phát hành trái phiếu. Ngoài ra, chưa có nhiều kênh thông tin để doanh nghiệp có thể kiểm tra lại.
Theo SSI, năm 2019 tổng số có 211 doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng, có tới trên 60% doanh nghiệp vẫn chưa niêm yết, đồng nghĩa thông tin về doanh nghiệp vẫn chưa thật sự minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp cũng phát hành trái phiếu ở mức lãi suất cao, gây rủi ro cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho rằng do Việt Nam vẫn đang còn thiếu tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập.
Thiếu tính minh bạch, thị trường trái phiếu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, điển hình như một doanh nghiệp vẫn đang xử lý khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng, khi cách đây gần chục năm đã đầu tư vào trái phiếu của một doanh nghiệp khác.
Để quản lý tốt hơn thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dự thảo bổ sung Nghị định 163 đang trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đề xuất quy định mới là doanh nghiệp không được phát hành trái phiếu vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu và lãi suất không được vượt mức quá 20%/năm. Đây là biện pháp phòng ngừa rủi ro khi gần đây một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu với lãi suất cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!