Đến đầu tháng 8 này, xuất khẩu thủy sản nước ta đạt hơn 5,2 tỷ USD – tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tháng cuối năm là thời điểm nhiều nhà máy thủy sản tăng tốc xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngành thủy sản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cả nuôi trồng lẫn đánh bắt tự nhiên. Nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn đang được các doanh nghiệp và địa phương gấp rút triển khai.
Mỗi ngày, nhà máy cần khoảng 30 tấn cá nguyên liệu để chế biến. Doanh nghiệp khá lo lắng vì nguồn cung nguyên liệu đủ điều kiện xuất khẩu, đặc biệt đi vào thị trường EU giảm còn khoảng 40%.
Bà Dương Thị Cẩm Nhiêng - Phó Giám đốc Nhà máy KTC Foods, Kiên Giang cho biết: "Khai thác hiện nay không hiệu quả so với thời gian trước đây đối với ngư dân. Khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, thủ tục pháp lý chủ yếu vướng mắc nhiều nhất là chứng nhận xuất xứ nguồn gốc SC".
Năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản nước ta cán mốc kỷ lục 11 tỷ USD
Khai thác, thả nuôi không hiệu quả kéo dài là một trong những nguyên nhân làm giảm đáng kể nguồn cung thủy sản. Đứng trước khó khăn đó, việc chế biến sâu đang là giải pháp ưu tiên của ngành hàng này.
Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Có doanh nghiệp chế biến ngay tại chỗ để chúng ta chế biến sâu thì giá trị cao hơn sẽ thu mua giá trị sản phẩm của bà con cao hơn tại chỗ".
Những con tôm tẩm bột đang chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu. So với tôm đông lạnh, nó có giá bán cao hơn từ 2-3 USD. Đặc biệt, khi chế biến sâu, những sản phẩm có thể dễ dàng chinh phục được các kênh tiêu thụ hiện đại như nhà hàng, khách sạn.
Để giải quyết hiệu quả bài toán thiếu - thừa nguyên liệu, theo các nhà máy thủy sản, nên xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chặt chẽ và bài bản thay cho cách làm tự phát, nhỏ lẻ như hiện nay.
Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Hùng Cá, Đồng Tháp nhận định: "Phải có chủ trương làm sao hợp tác với người chăn nuôi. Còn người làm chăn nuôi ra chăn nuôi, chế biến ra chế biến, làm thức ăn ra thức ăn, xuất khẩu ra xuất khẩu thì chết".
Năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản nước ta cán mốc kỷ lục 11 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này lại liên tục giảm sau đó. Một khi điệp khúc thiếu - thừa nguyên liệu chưa được giải quyết hiệu quả, mục tiêu tăng trưởng bền vững cho ngành hàng tỷ đô này sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!