Từ quý 3 này, các nhà máy đã ký được nhiều đơn hàng mới. Hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng diễn ra sôi động hơn. Ghi nhận tại Đồng bằng Sông Cửu long - vựa thủy sản của cả nước.
Hơn 500 triệu USD là kim ngạch xuất khẩu mà thủ phủ tôm Bạc Liêu đạt được. Để cán mốc 1,1 tỷ USD trong năm nay, 48 nhà máy thủy sản của tỉnh này đang đẩy mạnh chế biến và tăng cường xuất khẩu.
"Đi mạnh vào thị trường Hàn Quốc tôm nguyên con tươi, đặc biệt sắp tới đây, công ty sẽ xuất 1 container hàng tươi sang Úc", ông Trần Bé Sáu - Giám đốc Điều hành Nhà máy Chế biến Thủy sản Việt Úc cho hay.
Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: "Phải liên kết chặt chẽ với người nuôi tôm để giữ được nguyên liệu ổn định, có nguyên liệu ổn định thì nhà máy mới đủ công suất chế biến. Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nguyên liệu của Bạc Liêu, 50% nguyên liệu của Bạc Liêu vẫn đi ra các tỉnh khác".
Nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản nước ta mang về hơn 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài thị trường khởi sắc thì việc đầu tư chế biến sâu cũng đang là ưu thế để giá tăng giá trị xuất khẩu cho ngành thủy sản.
"Mình làm giá trị gia tăng thì nó cạnh tranh với những nước như Ấn Độ, Bangladesh, Ecuador. Những nước đó họ chuyên làm hàng thô", ông Huỳnh Văn Tấn - Tổng Giám đốc Công ty Camimex Group chia sẻ.
Sản phẩm tôm tẩm bột chuẩn bị xuất khẩu đi châu Âu. So với tôm đông lạnh nó có giá bán cao hơn 2-3 USD. Đặc biệt khi chế biến sâu thì những sản phẩm này dễ dàng chinh phục các kênh tiêu thụ hiện đại như: nhà hàng, khách sạn.
Theo các doanh nghiệp thủy sản, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng này sẽ tăng mạnh. Việc đảm bảo chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản nước ta sớm đạt 10 tỷ USD trong năm nay.
Ngành hàng cá tra bứt phá
Xuất khẩu cá tra đã mang về hơn 800 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh PLO
Cùng với tôm, xuất khẩu cá tra đã mang về hơn 800 triệu USD trong năm nay, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nâng cao chất lượng, khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp ngành cá tra sớm phục hồi và bứt phá vào những tháng cuối năm nay.
Hơn 90 triệu USD là tổng doanh thu xuất khẩu cá tra mà doanh nghiệp thu được. So với cùng kỳ năm ngoái, tăng khoảng 15%. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu, sản phẩm đảm bảo chất lượng cao, nên đơn vị có được đơn hàng xuất khẩu đều đặn cho cả năm nay.
"Sản phẩm mình được tốt thì mình được tiêu thụ nhiều, giờ người giàu, người có tiền người ta ăn sản phẩm có chất lượng, không phải càng đồ rẻ mà người ta dùng", ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, Đồng Tháp chia sẻ.
Đặc biệt, Chính phủ cùng các Bộ, ngành liên tiếp có nhiều hoạt động ngoại giao, tăng cường xúc tiến thương mại cũng giúp sản phẩm cá tra nước ta tiêu thụ tốt hơn. Hiện các đối tác từ Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này từ Việt Nam.
"Năm nay tình hình tương đối ổn định các đơn hàng, đặc biệt là Trung Quốc đang có dấu hiệu khởi sắc rất tốt. Hy vọng sẽ hoàn thành kế hoạch đặt ra của Vasep", ông Nguyễn Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Hà Nội - Cần Thơ cho hay.
Ông Đỗ Lập Nghiệp - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Nam Việt cho biết: "Không ngẫu nhiên mà nói tại sao Mỹ, châu Âu, các nước khác họ tin tưởng chất lượng của mình. Do đó về dư địa tôi nghĩ rất tốt".
Việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá cũng đang mở ra nhiều cơ hội cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Để sớm mốc 2 tỷ USD, các nhà máy thủy sản khuyến cáo, bà con nông dân nên thả nuôi có liên kết, đảm bảo sản lượng lớn, chất lượng cao nhằm cạnh tranh xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Cơ hội tăng tốc xuất khẩu cuối năm
Nhiều cơ hội giúp xuất khẩu thủy sản sớm đạt 10 tỷ USD trong năm nay.
Những con số cho thấy, những tháng cuối năm sẽ là cơ hội cho ngày thủy sản hoàn thành mục tiêu đề ra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), hiện nay Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là top 3 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc.
Cá tra, tôm chân trắng, tôm hùm, cá cơm và cua là 5 loài thủy sản Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang Trung Quốc. Đặc biệt, xuất khẩu tôm hùm và cua sang thị trường này bứt phá mạnh mẽ, tôm hùm tăng gấp 11 lần, cua tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra tôm nhập khẩu từ Ecuador, khiến nguồn cung từ nước này giảm tạo ra dư địa cho tôm chân trắng của Việt Nam. Ngoài ra, cá tra cũng được kỳ vọng gia tăng kim ngạch tại thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân một phần do cá rô phi - một trong những loài cá thịt trắng được ưa chuộng tại Trung Quốc có mức giá tăng cao trong khi nguồn cung thiếu hụt. VASEP dự báo, khi nguồn cung cá rô phi tại Trung Quốc khan hiếm, thì cá tra có thể là sản phẩm thay thế tiềm năng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!