Sau hai tuần đàm phán khó khăn, gần 200 quốc gia đã thông qua thỏa thuận tài chính khí hậu mới tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (còn gọi là COP 29) tại Azerbaijan.
Thỏa thuận đề xuất các nước phát triển, phát thải giàu có phải cam kết trả ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để giúp các nước nghèo có đủ một nguồn tài chính khí hậu ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, một số nước đang phát triển tuyên bố không hài lòng với thỏa thuận lần này tại COP 29.
Tiếng gõ búa đã vang lên. Những tràng pháo tay và những cái ôm thật chặt sau 14 ngày đàm phán liên tục. Bản thỏa thuận mang tên "Mục tiêu Tài chính Baku" cuối cùng cũng đã được thông qua tại Hội nghị COP 29 tại Azerbaijan.
Theo đó, thỏa thuận đề xuất các nước đang phát triển cam kết dành ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2035 để giúp các nước nghèo ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này tăng gấp ba lần so với 100 tỷ USD mỗi năm theo thỏa thuận hiện tại.
Ông Wopke Hoekstra - Ủy viên khí hậu của EU cho biết: “Thỏa thuận đạt được tại COP 29 sẽ được ghi nhớ như là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới về tài chính khí hậu. Liên minh châu Âu cùng các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu. Chúng ta đã tăng gấp ba mục tiêu 100 tỷ USD. Đây là mục tiêu cần thiết, thực tế và có thể đạt được”.
Ông Dion George - Bộ trưởng Rừng, Nghề cá và Môi trường Nam Phi nêu ý kiến: “Tôi nghĩ đó là một kết quả tốt nhất mà chúng ta có thể đạt được. Rõ ràng là vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng đó là một bước đi đúng hướng”.
Tuy nhiên, các nước nghèo hơn đang phải hứng chịu nhiều thảm họa khí hậu do ô nhiễm gây ra bởi các nước giàu đã không hài lòng với mục tiêu tài chính khí hậu mới 300 tỷ USD/năm, vì cho rằng con số vẫn còn quá thấp.
Bà Chandni Raina - Đại diện Đoàn Đàm phán Khí hậu của Ấn Độ nhận định: “Số tiền được đề xuất huy động là quá ít. Đó là một khoản tiền nhỏ nhoi. Theo chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được thách thức to lớn mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt”.
Ông Juan Carlos Monterrey Gomez - Đại diện Đoàn Đàm phán Khí hậu của Panama chia sẻ: “Tôi thất vọng. Mục tiêu tài chính khí hậu mới chắc chắn thấp hơn mức mà chúng ta đã đấu tranh bấy lâu nay. Chúng ta đã yêu cầu 1,3 nghìn tỷ USD, tương đương 1% GDP toàn cầu. Những gì chúng ta nhận được là 300 tỷ USD. Tuy nhiên, có một số điều khoản đã được đưa vào phiên bản cuối cùng của thoả thuận khiến Panama phải chấp nhận”.
Các quốc gia cũng đã nhất trí về các quy tắc cho một thị trường toàn cầu để mua và bán tín dụng carbon, với hy vọng có thể huy động thêm hàng tỷ USD vào các dự án mới giúp chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, từ việc tái trồng rừng đến triển khai các công nghệ năng lượng sạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!