“Thổi giá” thiết bị y tế - Lỗ hổng trong xã hội hóa y tế

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 13/09/2020 10:03 GMT+7

VTV.vn - Vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai khiến người bệnh phải trả phí cao hơn nhiều lần đã cho thấy nhiều hạn chế của chủ trương xã hội hóa y tế.

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS và các đơn vị có liên quan vẫn là vấn đề nóng trên mặt báo ra trong tuần này.

Ai sai phạm đến đâu? Cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời. Tuy nhiên, dư luận có quyền hoài nghi về việc liệu có lợi ích nhóm trong việc các đơn vị câu kết để nâng khống giá thiết bị y tế lên nhiều lần nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh hay không?

Một mình một chợ…

Tờ Nông thôn ngày nay dẫn lời nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh - người ký duyệt hợp tác với Công ty Công nghệ y tế BMS khẳng định: "Tuyệt đối không có bất kỳ lợi ích nhóm hay lợi ích của một cá nhân nào. Và trong vụ việc này bệnh viện cũng là một nạn nhân".

Trong vụ việc này, cần công bằng nhìn nhận, các thiết bị kỹ thuật cao như các robot phẫu thuật lần đầu tiên được nhập về Việt Nam nên không có giá để đối chiếu trực tiếp. Thế nhưng khi giá cả giờ đây đều có thể tra cứu trên mạng, việc Bệnh viện Bạch Mai để đối tác nâng khống lên tới 4 lần giá nhập theo khai báo hải quan dù với bất cứ lý do gì cũng là không thể chấp nhận được.

Giá hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng được khai khống thành 39 tỷ đồng, người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng/ca, dư luận bức xúc cũng là đương nhiên. Bởi lâu nay, người dân thường là không có quyền mặc cả khi mua thuốc hay chi trả cho việc khám chữa bệnh. Bệnh viện thông báo thế nào thanh toán như thế.

Trắng trợn "móc túi" người bệnh

“Thổi giá” thiết bị y tế - Lỗ hổng trong xã hội hóa y tế - Ảnh 1.

Vụ việc "thổi giá" thiết bị y tế ở BV Bạch Mai khiến dư luận bức xúc.

Ông Bùi Ðức Thụ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, người từng tham gia giám sát về hoạt động xã hội hóa lĩnh vực y tế khi trả lời phỏng vấn tờ Tiền phong đã bình luận: Người ta đã lợi dụng niềm tin của người bệnh để móc túi trắng trợn.

Giá dịch vụ, chi phí bệnh viện đều do Nhà nước quản lý. Để xảy ra tình trạng này có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Phải xem lỗi ở chỗ nào, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc quản lý giá thuốc, giá dịch vụ khám chữa bệnh thế nào mà lại để đội giá lên nhiều lần như vậy.

Còn theo báo Người Lao động, qua mỗi lần kiểm toán, Bộ Y tế đều yêu cầu các bệnh viện chấn chỉnh các sai phạm. Với Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu chấn chỉnh sau khi kiểm toán chỉ ra những sai phạm, yêu cầu bệnh viện nếu thu quá phải tính toán để thu lại, làm rõ những sai phạm về thu chi.

Mặt trái của xã hội hóa y tế

Việc được giao quyền tự chủ sẽ giúp các bệnh viện chủ động hơn trong mua sắm thiết bị y tế nhưng có thể sẽ xảy ra tình trạng "thổi giá" nếu không có biện pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Cùng quan điểm, tờ Tuổi trẻ cảnh báo, việc xã hội hóa y tế đang áp dụng hiện nay thực chất là đưa tư nhân đầu tư vào các bệnh viện công. Thực tế này đang biến các bệnh viện công thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế, mập mờ công tư, sử dụng nguồn lực công cho lợi ích của một nhóm người.

Trong bối cảnh đó, việc nâng khống giá trị máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là một trong các chiêu trò nhân danh xã hội hóa y tế để trục lợi. Nếu không giải quyết rốt ráo có khả năng xảy ra những trường hợp trục lợi khác.

“Thổi giá” thiết bị y tế - Lỗ hổng trong xã hội hóa y tế - Ảnh 2.

Việc nâng khống giá trị máy móc, trang thiết bị y tế chỉ là một trong các chiêu trò nhân danh xã hội hóa y tế để trục lợi. Ảnh minh họa - VOV.

Cơ chế tự chủ tài chính đã từng bước phát huy tính năng động của một số bệnh viện, nhất là trong việc huy động vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị. Nhờ đó, nhiều bệnh viện đã không còn trông chờ, ỷ lại vào ngân sách như trước nữa. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân thường là chạy theo lợi nhuận. Điều này, vô hình trung đã đẩy giá khám, chữa bệnh lên cao.

Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước những năm gần đây cho thấy, một số bệnh viện chia lợi nhuận cho đối tác ngay cả khi đã hết thời gian liên doanh, liên kết. Bệnh viện cũng chưa đánh giá đúng và đủ các chi phí về mặt bằng, thương hiệu của bệnh viện hoặc chưa làm rõ giá trị máy móc thiết bị, gây bất lợi cho bệnh viện.

Ngoài ra, áp lực về doanh thu có thể dẫn đến tình trạng bệnh viện chỉ định dùng máy liên doanh, liên kết, "bỏ mặc" máy móc đầu tư từ nguồn ngân sách, gây lãng phí tài sản công.

Bộ Y tế công khai giá trang thiết bị y tế

Trong tuần này, cổng thông tin công khai giá thiết bị y tế đã chính thức ra mắt. Nhiều tờ báo cùng lúc dẫn lời Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Công khai, minh bạch là thanh bảo kiếm chữa lành các vết thương. Đây là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường, từng bước công khai, minh bạch về giá thiết bị y tế" .

Theo tờ Lao động, khi cổng thông tin đi vào hoạt động, tất cả các doanh nghiệp, hãng sản xuất phải công khai giá mong muốn khi đưa vào thị trường Việt Nam.

Giá này cũng phải so sánh với thị trường các khu vực trên thế giới để đảm bảo không có sự chênh lệch giữa giá ở Việt Nam và các nước, đảm bảo để người dân được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng, đúng giá trị thực.

Kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Y tế cũng đang là mong mỏi lớn nhất của người dân. Vì chỉ khi Bộ Y tế công bố công khai giá thiết bị y tế thì các bệnh viện và người dân mới có cơ sở so sánh.

Tuy nhiên, theo tờ Đại đoàn kết, ngay cả khi đã công khai giá trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin, người dân vẫn có nhu cầu được biết đấu thầu theo mức giá như thế nào?.

“Thổi giá” thiết bị y tế - Lỗ hổng trong xã hội hóa y tế - Ảnh 3.

Công khai giá trang thiết bị y tế là bước đi làm lành mạnh hóa thị trường, từng bước công khai, minh bạch về giá thiết bị y tế. Ảnh minh họa - TTXVN.

Tránh công khai nửa vời

Tự chủ bệnh viện công, xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị y tế là cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Nhưng yêu cầu này không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành y tế.

Để tránh các hiện tượng tiêu cực, tận thu tiền từ người bệnh, cần sớm xốc lại hàng rào về cơ chế chính sách để kiểm soát, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người dân.

Trước vụ nâng khống giá thiết bị đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, ở nhiều địa phương cũng đã mua thiết bị xét nghiệm Sars-CoV-2 giá cao. Riêng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội đã nâng khống giá hệ thống xét nghiệm từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng. Tất cả đều có chung một trong những căn nguyên đó là tình trạng "tù mù" giá thiết bị y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước