Th.S Đinh Tuấn Minh – Giám đốc điều hành Marketintello, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Ảnh: Long Trần)
* Dưới góc nhìn chuyên môn, ông đánh giá như thế nào về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước hiện nay? Nguyên nhân của thực trạng doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ là do đâu?
- Th.S Đinh Tuấn Minh – Giám đốc điều hành Marketintello, thành viên Hội đồng sáng lập Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách: Hoạt động kinh tế nhà nước thực chất không có nhiều khác biệt từ trước đến nay. Một số doanh nghiệp làm ăn có lãi, một số thua lỗ còn đa số thì không có gì nổi bật.
Trong thời điểm mang tính xu hướng, nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ hỗ trợ trên khía cạnh nguồn vốn, đất đai, đặc biệt trong giai đoạn trước. Về vấn đề thuế, doanh nghiệp nhà nước đóng thuế mềm hơn nhiều so với doanh nghiệp tư nhân phải thuê hoặc tự mua. Các công trình lớn của đất nước thì doanh nghiệp nhà nước cũng được ưu tiên hơn. Tất cả những yếu tố đó khiến doanh nghiệp nhà nước vẫn sống nhưng không nổi bật.
Vấn đề chính của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề về quản trị. Nhà quản trị doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm đối với lượng tài sản khổng lồ trong khi đây không phải thứ mà người quản trị theo đuổi hay chiến đấu hết mình như doanh nghiệp tư nhân.
Chỉ có một số ít người quản trị doanh nghiệp nhà nước làm việc với tư cách doanh nhân thực sự còn đa phần là mục đích chính trị, tức là nhà quản trị làm vài năm và được điều chuyển sang chỗ khác. Với tâm thế như vậy, người đó không bỏ hết trí tuệ để cố gắng mà làm việc an toàn nhất có thể.
Bản chất doanh nghiệp nhà nước là mô hình hành chính nhà nước kéo dài chứ không phải kinh doanh thuần túy. Chính vì vậy, các quyết định đầu tư, các hoạt động kinh doanh nếu không hỗ trợ từ phía nhà nước sẽ rơi vào tình trạng không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường đòi hỏi. Doanh nghiệp nhà nước cũng thường mua sắm thiết bị giá cao cộng với chi phí vận hành không hiệu quả. Tất cả những yếu tố này khiến các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ.
Về trách nhiệm thì ai cũng biết doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả nhưng không thể tìm được người chịu trách nhiệm cụ thể bởi nó liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau.
Th.S Đinh Tuấn Minh: Quản trị là nguyên nhân chính khiến DNNN làm ăn thua lỗ
* Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ thì có nên thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước hay không, thưa ông?
- Chính xác! Tôi nghĩ đó là điều rất nên và bản thân Chính phủ cũng nhìn ra vấn đề. Từ những năm 2011, trong đề án tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước cũng đã nhấn mạnh chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn. Năm 2015, Chính phủ cũng đã nhắc đến quyết tâm cải cách khu vực nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa. Các cơ quan trung ương cũng đã có những chỉ đạo về đẩy mạnh cổ phần hóa, kể cả tập đoàn lớn, chỉ trừ những ngành mang tính chất công ích hoặc một số ngành nghề đặc biệt.
Chỉ có điều dù vấn đề đã được nhìn nhận nhưng quá trình này diễn ra hơi chậm. So với mục tiêu cổ phần hóa 500 doanh nghiệp nhà nước thì kết quả đến nay mới chỉ hơn 100 doanh nghiệp.
Nhà nước cần rút vốn các doanh nghiệp đang nắm giữ. Hiện tại nhiều doanh nghiệp cổ phần rồi nhưng nhà nước vẫn nắm cổ phần trên 80% thì không thể hấp dẫn tư nhân tham gia và không thay đổi cách thức quản trị. Năm vừa qua cũng đã có những tín hiệu cực như một số doanh nghiệp nhà nước như Vietnam Airlines, Sabeco, Habeco cũng bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán hay kế hoạch thoái vốn khỏi Vinamilk.
* Bên cạnh biện pháp thu hẹp khu vực kinh tế nhà nước, ông có những đề xuất giải pháp nào khác để giúp doanh nghiệp nhà nước làm việc hiệu quả hơn?
- Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị DNNN. Với các bộ ngành, Chính phủ nên thuyết phục các quan chức tại đây rằng việc từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu sẽ giúp cho các bộ tập trung và chuyên môn hóa nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát. Điều này sẽ giúp các bộ dễ dàng hoàn thành được các nhiệm vụ của mình hơn là ôm đồm thêm chức năng đại diện chủ sở hữu. Các bộ có thể sử dụng các công cụ quản lý điều tiết ngành để yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp liên quan, kể nhà DNNN và tư nhân, đầu tư phát triển hơn nữa cho lĩnh vực mình quản lý.
Với các chính quyền địa phương cũng tương tự. Để phát triển địa phương, các chính quyền địa phương nên chú trọng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương mình, qua đó huy động đầu tư từ mọi thành phần kinh tế thay vì trông chờ vào đóng góp của các DNNN tại địa phương.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam hiện tại là khá lớn nên khó có thể kiểm soát tốt được. Tôi cũng từng đề xuất là làm sao cố gắng tổng thu nhập doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 10% GDP thay vì 20% như bây giờ. Với quy mô nhỏ khoảng 8-10% thì các giải pháp của Bộ Kế hoạch Đầu tư như tách Bộ chủ quản ra khỏi việc quản trị doanh nghiệp nhà nước sẽ hiệu quả hơn. Khi đó sẽ có cơ quan chuyên trách trong việc quản trị doanh nghiệp với tính hành chính giảm đi rất nhiều thay vì trực thuộc các bộ hay UBND tỉnh. Tôi nghĩ đó là một giải pháp cần thúc đẩy nhanh.
* Được biết ông từng nghiên cứu về kinh tế ở nước ngoài. Vậy ông có đánh giá như thế nào về cách thức hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở các nước khác. Liệu mô hình ấy có thể áp dụng được ở Việt Nam không?
- Ở các nước khác, quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước đã diễn ra từ lâu. Ví dụ ở Hà Lan, tất cả hệ thống viễn thông, đường sắt, hàng không, điện nước đều đã tiến hành tư nhân hóa và được sáp nhập chung với các công ty châu Âu. Những công ty này đều vận hành trôi chảy.
Còn tại Thụy Sĩ, hàng điện thoại ở đây vẫn do nhà nước chi phối nhưng về cách điều hành của họ có ban kiểm soát mà không tham gia trực tiếp vào điều hành nhằm đảm bảo mục đích công ích.
Tuy nhiên những mô hình này liệu có áp dụng tại Việt Nam không thì lại là một câu chuyện khác.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!