Sáng nay (10/11), sau phần trả lời chất vấn vấn của các tư lệnh ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Với tinh thần trách nhiệm cao trước Quốc hội và nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất năm 2020 cũng như giai đoạn 2016 - 2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện thành công kế hoạch 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Không chỉ năm 2020, mà ngay từ bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối đầu với những thách thức lớn chưa từng thấy như: Hạn mặn kỷ lục 100 năm ở ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, thiên tai, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống… nhưng bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp chúng ta đã cũng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD của tổng GDP trong 5 năm trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội
"Vào tháng 8, tạp chí Economist đã xếp Việt Nam được coi là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Còn theo Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm, giai đoạn 2016 – 2019, Việt Nam nằm trong Top 10 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất nhất thế giới. Còn năm nay dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái thì Việt Nam vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng ở mức khá", Thủ tướng cho biết.
"Trong khó khăn bài học từ câu chuyện bó đũa, từ lịch sử ngàn năm giữ nước và dựng nước của dân tộc ta đã cho thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Tinh thần đó lại một lần nữa được thể hiện ở trong giai đoạn vừa qua. Đặc biệt trong năm 2020 khi Việt Nam phòng chống, đẩy lùi đại dịch COVID19 được thế giới đánh giá cao", Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết 6 năm qua, chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét. Tính chung trong nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% năm 2015 xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số.
"Chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm nghèo bền vững cho 3% còn lại. Đặc biệt là ở vùng lõi nghèo, nông thôn miền núi, lõi nghèo…", Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững (Ảnh: Dân trí)
Cũng theo Thủ tướng, những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ trong 5 năm qua đã góp phần làm nên 350 nghìn doanh nghiệp thành lập, chiếm hơn một nửa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.
Thị trường chứng khoán năm 2016 chỉ đạt mức 500 điểm, song đã sớm thiết lập kỷ lục trong lich sử khi VN-Index cán mốc 1.200 điểm vào năm 4/2018. Dưới tác động của COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, chỉ số VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm, quy mô vốn thị trường đạt trên 100% GDP.
4 giải pháp cân đối ngân sách
Sau phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại đây, Người đứng đầu Chính phủ đã trả lời vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là cân đối ngân sách. Theo đó, nếu tăng trưởng năm 2021 chỉ 6% thì dự kiến tổng thu chỉ khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, giảm 170 nghìn tỷ so với năm 2020.
Thủ tướng đưa 4 giải pháp để đảm bảo cân đối ngân sách trong bối cảnh COVID-19
Người đứng đầu Chính phủ đã đưa ra 4 giải pháp cho vấn đề này:
- Trước hết phải tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, các cấp, các ngành, các địa phương đều phải làm việc này.
- Thứ hai, tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề phát triển, nhất là những công trình đã báo cáo Quốc hội, như khởi công sân bay Long Thành, thúc đẩy đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau nhiều năm chậm trễ.
- Thứ ba, tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế…
- Thứ tư, thực sự tiết kiệm chi ngân sách, giảm các cuộc họp, các chuyến công tác nước ngoài không cần thiết…
Mục tiêu kép
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (tỉnh Vĩnh Long), Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) về thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, như tại Nhật Bản, châu Âu dịch quay trở lại. Vì vậy, Việt Nam đặt mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng và để giữ được đất nước không bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, giữ ổn định xã hội, giải quyết việc làm, có sự tăng trưởng cần thiết.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đề cao tự lực, tự cường, xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ cao, bảo đảm an toàn cung ứng, chú trọng thị trường trong nước, đi đôi với khai thác hiệu quả thị trường quốc tế. Đến nay chúng ta đã xuất siêu gần 20 tỷ USD.
"Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, chỗ dựa trong dịch bệnh, song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch. Thay đổi phương thức làm việc, vận hành trong nhiều lĩnh vực (giáo dục, y tế...) tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tự động hóa... hướng đến phát triển nền kinh tế không tiếp xúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu kép vừa phòng chống COVID-19, vừa phát triển kinh tế
Gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động
Về chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang) về gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong dịch bệnh COVID-19 hiệu quả còn thấp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chúng ta đã chủ động hỗ trợ đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giãn, giảm, miễn thuế, phí nhưng việc hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người lao động chưa tốt.
"Thời gian tới, Chính phủ sẽ điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cho DN, người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh", Thủ tướng cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!