Với gần 10.000 đại biểu, trong đó 2.000 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 8.000 đại biểu theo dõi trực tuyến, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 17/5 quy tụ số doanh nghiệp và lãnh đạo các bộ ngành, địa phương ở mức kỷ lục. Và dĩ nhiên, đây cũng là một chủ đề lớn trên khắp các mặt báo trong cả tuần này.
Lao động: Việc buôn bán thịnh để nước không suy
Dẫn câu nói của chí sĩ Lương Văn Can "việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy" để truyền cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân và cũng là để khẳng định quyết tâm đưa doanh nghiệp vào thời kỳ hưng thịnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp là để "chuyển lời nói thành hành động" vì còn rất nhiều rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp.
Có một điều đặc biệt là ngay khi hội nghị còn chưa kết thúc, người đứng đầu Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 20 yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra bởi thanh tra kiểm tra quá nhiều và trùng lắp đang là một gánh nặng lớn của doanh nghiệp. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu không thanh tra doanh nghiệp quá 1 lần trong 1 năm. Nếu có thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được thanh tra mở rộng.
Tuổi trẻ: Giảm chi phí đè nặng doanh nghiệp
Bức ảnh nổi bật trên tờ Tuổi trẻ khi Thủ tướng công bố Chỉ thị 20 đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tham dự hội nghị trực tuyến ở thành phố Hồ Chí Minh. Với chỉ thị này, một cái ách lớn đang được tháo xuống khỏi vai doanh nghiệp. Nút thắt đã được gỡ bởi 1 văn bản chứng tỏ rằng, Chính phủ"đã nhận diện được" và "đã thấu hiểu" những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc gọi đây là "món quà đặc biệt của Thủ tướng". Bởi trước đó, ông Vũ Tiến Lộc vẫn phải báo cáo về tình trạng doanh nghiệp mỗi năm phải tiếp 6-7 đoàn thanh tra, kiểm toán, chưa kể các đợt kiểm tra không chính thức.
Pháp luật TP.HCM: Không thanh tra DN quá một lần/năm
Cá biệt, có doanh nghiệp bị thanh tra tới 12 lần/năm. Cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng có tâm lý lo ngại về thanh tra, kiểm tra thực hiện nghĩa vụ thuế nên chưa tự nguyện chuyển thành doanh nghiệp, theo tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh. Cách đây 1 năm, yêu cầu hạn chế thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từng được ghi vào Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhưng chốt lại thì doanh nghiệp vẫn liên tục bị kiểm tra với tần suất nhiều lần trong năm.
Đầu tư: Xóa nỗi ám ảnh thanh tra, kiểm tra
Báo Đầu tư đưa ra vô số dẫn chứng: Nào là tình trạng đội quản lý thị trường vừa ra thì đội thanh tra, kiểm tra của y tế, đo lường lại đến; hay là những đợt kiểm tra sau 23 giờ với những cơ sở lưu trú du lịch hay kế hoạch kiểm tra một đằng, yêu cầu báo cáo hồ sơ một kiểu... Nhưng nỗi ám ảnh nhất đối với các doanh nghiệp khi phải đối mặt với các đoàn kiểm tra- Đó là tư duy nhìn "doanh nghiệp kiểu gì cũng có sai" của những công chức thực thi nhiệm vụ. Với chỉ thị 20, ít nhất thì tư duy hành doanh nghiệp là chính sẽ giảm đi.
Tại hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt. Đó là, tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, khuyến khích đầu tư. Thứ hai là, cam kết mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.
Thời báo Kinh tế Việt Nam: Quyết giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Để làm được điều này, Thủ tướng cam kết, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính thuế, hải quan, phí BOT, chi phí về logistics…
Báo chí trong tuần đã ví von rằng, cuộc gặp này đã mang đến dự cảm tốt lành khi nhiều kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp đã được các thành viên Chính phủ quyết đáp kịp thời.
Thời báo Kinh tế Việt Nam: Quyết giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định, kiên quyết dẹp nạn phong bì, loại bỏ chi phí ngoài luồng đang hành doanh nghiệp. Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đang nghiên cứu để sửa đổi những quy định bất cập trong kinh doanh khí, rượu, khoáng sản...; đồng thời tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến.
Sài Gòn Giải Phóng: Dự cảm tốt lành
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cam kết sẽ có những quy định "phân biệt ứng xử đối với những doanh nghiệp thân thiện, chấp hành tốt quy định về môi trường và ngược lại".
Rõ ràng là những cam kết, động thái kịp thời từ Chính phủ tại hội nghị năm nay đã cho thấy quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp trên con đường tạo nên sự thịnh vượng cho người Việt.
Điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong mỏi nhất là sau mỗi lần gặp gỡ, đối thoại thì những khó khăn, ngổn ngang của doanh nghiệp sẽ bớt đi. Thực tế là sau cuộc đối thoại cách đây một năm, tình hình đã được cải thiện. Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi, yêu cầu cao hơn, lớn hơn.
Về phía doanh nghiệp, có lẽ mong muốn của doanh nghiệp lúc này là những thông điệp của Thủ tướng sẽ được lan tỏa tới các bộ, ngành, địa phương để doanh nghiệp không còn phải mất thời gian và tốn kém nguồn lực cho việc đối phó với những phiền hà gây ra từ cơ quan quản lý nhà nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!