Thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công

Minh Loan (Ban Thời sự)-Thứ năm, ngày 12/09/2019 20:49 GMT+7

VTV.vn - Chậm giải ngân vốn đầu tư công - thực tế kéo dài trong nhiều năm qua đang tác động không nhỏ đến nguồn lực tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Tính đến hết tháng 8/2019, giải ngân đầu tư công cả nước chỉ đạt 37,92% so với kế hoạch Quốc hội giao. Đáng chú ý, chỉ có 8 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70% nhưng có tới 18 địa phương giải ngân chỉ đạt dưới 40%, thậm chí, có địa phương chỉ giải ngân đầu tư công được dưới 20%.

Câu chuyện chậm giải ngân vốn đầu tư công đã kéo dài trong nhiều năm qua. Tác hại của nó là làm kinh tế mất đi một nguồn lực tăng trưởng. Vậy, đâu là những nút thắt làm nghẽn dòng vốn đầu tư này tại các địa phương?

Địa phương nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

Hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TP.HCM rơi vào nhóm giải ngân đầu tư công thấp hơn so với trung bình của cả nước, chỉ đạt lần lượt là 30,21% và 27,59%. Đây cũng là hai địa phương có kế hoạch đầu tư công chênh lệch so với thực tế triển khai nhiều nhất, lên tới gần 40%. Việc lập kế hoạch không sát đã khiến thời gian thủ tục bị kéo dài, bởi cứ điều chỉnh thì phải bắt đầu lại theo trình tự.

Tỉnh có tỷ lệ giải ngân thấp nhất hiện nay là Đồng Nai, chỉ đạt 15,66% kế hoạch vốn Quốc hội giao do dự án sân bay Long Thành vẫn chưa thể thực hiện giải phóng mặt bằng. Việc chậm giao đất cho dự án khiến tiến độ bị kéo dài, làm đội vốn công trình là vấn đề phổ biến nhất ở hầu hết các địa phương.

Ngoài ra, các dự án sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương phải có quyết định cho phép chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư của cấp có thẩm quyền trước ngày 31/10 của năm trước năm kế hoạch. Trong khi đó, mức áp dụng chỉ định thầu xây lắp và tư vấn hiện nay quá thấp, chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại một số địa phương và bị điều chỉnh qua từng năm khiến việc lập kế hoạch khó có thể chủ động.

Tháo gỡ khó khăn giải ngân vốn đầu tư công

Những điểm nghẽn của địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công có cả khách quan và chủ quan, từ năng lực của từng địa phương, điểm nghẽn chính sách, các quy định pháp luật liên quan còn chồng chéo. Tuy nhiên, cùng nền tảng đó, vẫn có những địa phương vượt lên chủ động, quyết liệt trong giải ngân đầu tư công với nhiều cách làm hay, nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Thông thường, một dự án đầu tư công phải chạy từ sở ngành này qua sở ngành khác bởi thủ tục liên quan nhiều nơi. Mỗi một cửa là vài tháng thậm chí đến cả năm. Để giải quyết sự lòng vòng này, Thanh Hóa thường xuyên có các cuộc họp nhiều bên để cùng rà soát tình hình các dự án đầu tư công. Vướng ở đâu phải làm rõ, trách nhiệm của ai và phương án giải quyết ngay tại cuộc họp.

Theo quy định, các nguồn vốn để giao được phải thông qua HĐND tỉnh quyết định nhưng HĐND mỗi năm chỉ họp 2 lần nên nếu đợi thì cũng đã quá chậm.

Đến nay, Thanh Hóa đã đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công gần 68%, nằm trong nhóm các địa phương giải ngân tốt trong cả nước. Đây là một minh chứng cho thấy, nếu chính quyền địa phương năng động và sâu sát trong đôn đốc, giám sát thực hiện sẽ giải quyết được khó khăn nhanh chóng, gỡ vướng cho các bên liên quan để thúc đẩy dòng vốn đầu tư công.

Giải ngân đúng kế hoạch và thực hiện hiệu quả dự án sử dụng vốn đầu tư công là một trong những giải pháp để góp phần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Tuy vướng mắc còn nhiều nhưng thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm chỉ đạo sát sao vẫn có cách tháo gỡ để thúc đẩy dòng vốn này phát huy tác dụng của mình đối với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Nghịch lý trong việc đầu tư công Nghịch lý trong việc đầu tư công Thủ tướng ra công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Thủ tướng ra công điện đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công Chậm giải ngân vốn đầu tư công Chậm giải ngân vốn đầu tư công

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước