Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp từ du lịch

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 04/09/2024 14:45 GMT+7

VTV.vn - Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào tích hợp đa giá trị từ việc chuyển đổi sản xuất sang hữu cơ sang phát triển du lịch từ môi trường nông thôn xanh sạch.

Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp từ du lịch

Ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục chuyển mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường. Cùng với việc tính toán để giảm chi phí sản xuất, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu thế mang tính bền vững. Tại Hà Tĩnh, loại hình này đã và đang giúp địa phương khai thác đa giá trị từ các lợi thế tiềm năng về nông sản, cảnh quan , văn hoá.

Khu du lịch sinh thái, cộng đồng thôn Phú Lâm, tỉnh Hà Tĩnh, khi du khách về đây tham quan, nghỉ dưỡng sẽ được hòa mình vào không gian làng quê bình yên, không khí trong lành. Phú Lâm được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan kỳ vỹ, với ẩm thực phong phú, đặc trưng của đồng bào. Người dân thôn bản rất thân thiện, hiếu khách đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương.

Anh Trần Khắc Huy - Du khách Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đi nhiều nơi nhưng khi về Phú Lâm thực sự có cảm xúc lạ, con người thân thiện, cảnh quan hoang sơ, không khí trong lành. Thực sự đây là một nơi đáng để mọi người đến và chúng tôi chắc chắn sẽ quay lại khi có cơ hội".

Đặc biệt khi đến với Hà Tĩnh, du khách còn được tham quan những vườn bưởi Phúc Trạch trĩu quả. Mọi người không chỉ được tham gia vào quy trình sản xuất, chăm sóc bưởi Phúc Trạch, mà còn có thể tận tay thu hoạch và thưởng thức những quả bưởi thanh mát ngay tại vườn. Mô hình này đã tạo sự thích thú cho cả người lớn và trẻ em với nhiều trải nghiệm thú vị trong suốt hành trình tham quan.

Ông Trần Xuân Trà - Xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh chia sẻ: "Nhiều người đang ở xa không biết được sản phẩm này. Địa phương rất mong muốn được rất nhiều đoàn đến tham quan và nhất là mùa trái chín, thưởng thức những trái ngọt để quảng bá sản phẩm cho nhân dân".

Thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kết nối với các đơn vị du lịch, lữ hành để xây dựng các tour tuyến du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái trên địa bàn. Qua đó giúp bà con nông dân có thêm việc làm, thu nhập, vừa quảng bá được hình ảnh quê hương, văn hóa dân tộc đến với du khách trong nước và quốc tế.

Ông Trần Nguyễn Huỳnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh nhận định: "Ngoài việc đón các đoàn, chúng tôi sẽ tổ chức các hội nghị về xúc tiến du lịch, cũng như tạo sự liên kết giữa các tỉnh, có sự tương đồng giữa các tỉnh liên vùng liên kết. Làm du lịch thì các tỉnh cùng hợp tác với nhau để cùng phát triển".

Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn về lưu trú, ăn uống, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch, xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù.

Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp từ du lịch - Ảnh 1.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đang là xu thế mang tính bền vững

Tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn

Với ngành nông nghiệp, nếu không nghĩ khác thì sẽ không thể tiến xa được. Sau hơn 14 năm xây dựng nông thôn mới, bước chuyển của giai đoạn tiếp theo là làm thế nào để tạo thêm nhiều việc làm ở nông thôn, hình thành thị trường nông sản bền vững từ phát triển du lịch, dịch vụ . Đây cũng là định hướng lớn giúp các địa phương khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên cũng như giữ chân người trẻ ở lại phát triển làng quê.

Ninh Bình đã từng bước trở thành trung tâm du lịch của miền Bắc với rất nhiều các loại hình. Đây cũng là cơ sở để địa phương phát triển khu vực nông thôn theo hướng đa giá trị. Cùng với hạ tầng tiến gần hơn với mức sống đô thị, hàng loạt sản phẩm cũng được chuẩn hoá.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: "Nông nghiệp Ninh Bình đang phát triển theo hướng sinh thái đa giá trị, tức là gần gũi với thiên nhiên và không gây ô nhiễm ra môi trường. Chúng ta phát huy, khai thác những sản vật địa phương có tính chất đặc sản, đặc hữu, chuẩn hóa theo chương trình OCOP. Khi chúng ta phát triển sản phẩm OCOP sẽ giữ lại người dân nông thôn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Và đặc biệt du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn cũng là một trong sáu nhóm sản phẩm OCOP nên cũng đang rất được quan tâm và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh cho các chương trình này".

Hơn 78% số xã đạt chuẩn, tương đương với khoảng 6.300 xã nông thôn mới trên cả nước, trong đó 22 tỉnh, thành phố 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 4 tỉnh so với cuối năm ngoái. Bên cạnh đó, cả nước đã công nhận 13.368 sản phẩm OCOP đạt ba sao trở lên. Trên cơ sở kết quả này, chuyển đổi số chính là phương thức quan trọng giúp môi trường kinh tế ở nông thôn thay đổi.

Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp từ du lịch - Ảnh 2.

Trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ: "Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số và làm thế nào để chúng ta đưa phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, điều đó rất cần các bạn trẻ có kiến thức, có kỹ năng ở lại nông thôn để tham gia phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Chúng tôi cho rằng, điều mà chúng ta cần phát huy hơn nữa trong giai đoạn 2026-2030 làm làm sao tạo ra được cơ hội nhiều việc làm ở khu vực nông thôn để thu hút, kéo người trẻ ở lại với quê hương mình".

Trên phạm vi toàn cầu, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm 10% và doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Ở Việt Nam, trên tổng số trên 1.300 khu, điểm du lịch do các địa phương quản lý có đến 70% là điểm du lịch ở khu vực nông thôn. Đây cũng là cơ sở để thu nhập của người dân nông thôn từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%, thu từ các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ sẽ chiếm khoảng 73%.

Tăng trưởng tương lai dựa vào tích hợp đa giá trị

Rõ ràng là trong bối cảnh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức do sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nông nghiệp Việt Nam sẽ không thể tiếp tục cạnh tranh trên cơ sở chi phí thấp, thâm dụng lao động hay dựa vào tài nguyên sẵn có. Tăng trưởng trong tương lai phải dựa vào tích hợp đa giá trị từ việc chuyển đổi sản xuất sang hữu cơ sang phát triển du lịch từ môi trường nông thôn xanh sạch.

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ đạt bình quân từ 5 - 6%/năm. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững sẽ đạt trên 1 triệu ha.Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu trên thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước