Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải nhựa

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 07/09/2024 09:52 GMT+7

VTV.vn - Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 75% lượng rác thải nhựa thải ra đại dương. Để hoàn thành mục tiêu, việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng rất quan trọng.

Nỗ lực nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giảm thiểu rác thải nhựa

Trung bình mỗi năm Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương, Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 75% lượng rác thải nhựa thải ra đại dương. Điều này có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với môi trường, việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa còn là cơ sở để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn - một trong những yếu tố góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.

Để hoàn thành mục tiêu này, cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng thu gom rác thải nhựa, trong đó bên cạnh chính sách, thì nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Đây cũng là mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang nỗ lực triển khai các chương trình, các sự kiện để người tiêu dùng được tiếp cận, tham gia vào các hoạt động thu om, tái chế, từ đó nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh 1.

Mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường đến 1,8 triệu tấn rác thải nhựa.

Trang bị các thùng rác phân loại, thu gom pin cũ, đầu tư máy thu gom xử lý chai nhựa, lon nhôm, hay thay đổi từ bao bì nilon sang túi giấy hoàn toàn… Đây là những hoạt động đã và đang được nhiều hệ thống siêu thị triển khai với mục đích là làm sao nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dùng đối với rác thải nhựa.

Đại diện một siêu thị cho biết, thời gian đầu khi triển khai, không phải khách hàng nào cũng đồng ý với các sáng kiến. Ví dụ như việc phải trả thêm vài ngàn đồng mua túi giấy, thay vì miễn phí thì có đến 50% khách không hài lòng. Nhưng bằng sự nỗ lực tư vấn, thuyết phục của doanh nghiệp, ngày càng có nhiều khách hàng hưởng ứng chương trình.

Ông Nguyễn Ngọc Cường, Quản lý chuỗi siêu thị AnNam Gourmet, quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi cũng hi vọng qua những nỗ lực và kiên trì, thói quen, suy nghĩ và ý thức mua sắm của khách hàng sẽ dần thay đổi".

Sau 5 năm triển khai, siêu thị trên đã thu gom xử lý được 5 tấn pin cũ, gần 17.000 vỏ chai nhựa, chai thuỷ tinh và lon nhôm, và giảm thiểu được hơn 9 triệu túi nilon để bảo vệ môi trường.

Những vỏ hộp sữa có thể được tái chế rất hiệu quả nếu như được thu gom đúng cách. Thay vì bỏ chung vào thùng rác, chúng sẽ được gập lại và bỏ vào túi đựng rác riêng. Và để hình thành thói quen này thì đòi hỏi phải có các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người tiêu dùng, mà ở đây chính là các em nhỏ học sinh, những người tiêu dùng thường xuyên của sữa.

Tại một số trường học mầm và tiểu học tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Vỏ hộp sữa sau khi được sử dụng, các thầy cô giáo hướng dẫn các em học sinh cách xử lý. Sau khi được đưa vào các thùng rác riêng, đơn vị thu gom sẽ đến để thu gom và đưa về nhà máy để ép lại. Quy trình này, vừa giảm tác động đến môi trường, vừa tiết kiệm chi phí tái chế.

Đây là chương trình đang được Liên minh Tái chế bao bì PRO Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo các địa phương và các đơn vị thu gom tái chế để nâng cao nhận thức về phân loại - tái chế rác thải cho các em học sinh - thế hệ người tiêu dùng tương lai.

Bà Chu Thị Kim Thanh - Giám đốc Vận hành - Công ty Cổ phần Tái chế Bao bì PRO Việt Nam cho biết: "Các chuỗi hoạt động ở các trường thì chúng tôi sẽ xây dựng ý thức cho các con, hướng dẫn cho các con và các cô giáo sao cho có cách thu gom hiệu quả nhất. Chúng tôi kết nối với các bên đối tác thu gom, bên đối tác tái chế để thực sự tạo thành một vòng tuần hoàn và chúng tôi mong muốn cái việc này sẽ thực sự bền vững".

Đại diện đơn vị thu gom trong chiến dịch này - công ty Tobito cho biết, hiện nay đơn vị đã triển khai phát túi, bao bạt tại gần 100 trường mầm non và tiểu học, để thu gom cho hết năm học 2024 - 2025.

"Sau 2 năm triển khai thì tốc độ tăng trưởng khá tốt, ý thức bảo vệ môi trường trong ngành giáo dục nói chung và các trường học nói riêng đang làm với chúng tôi thấy khá hiệu quả", ông Lê Xuân Cường, Tổng giám đốc, Công ty cổ phần Tobito cho hay.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh 2.

Kinh tế tuần toàn là giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý vấn đề ô nhiễm nhựa.

Theo kế hoạch, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ triển khai tại 14 trường học từ khối mầm non và tiểu học trên địa bàn. Ngoài ra, tỉnh và Pro Việt Nam còn tổ chức các chương trình ngoại khoá, giáo dục kết hợp vui chơi có thưởng để các em dễ tiếp cận hơn với các kiến thức phân loại rác.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ: "Lễ phát động này cho thấy chúng ta phải vào cuộc, phải làm một chương trình gì đó để cả cộng đồng phải nhận thức được nhiệm vụ và vai trò của mình trong việc hạn chế rác thải".

Theo các chuyên gia, các quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất thực thi EPR đã áp dụng từ đầu năm nay 2024. Đến đầu năm 2025, việc phân loại rác tại nguồn ở các địa phương trên toàn quốc cũng là bắt buộc. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để triển khai các chương trình nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp.

Giải pháp thu gom bền vững thông qua các mô hình thí điểm

Theo khảo sát của TGM Research có đến 95% người tiêu dùng được hỏi cho rằng, rất cần vai trò của chính quyền địa phương trong việc tăng cường truyên truyền về phân loại rác thải, dưới nhiều hình thức khác nhau. Vòng tròn từ chính quyền địa phương - tổ chức trung gian - đơn vị thu gom, tái chế... nếu được phối hợp tốt sẽ giúp cho các mô hình thu gom bền vững hơn.

Nghiên cứu các mô hình thu gom rác trên thế giới, có thể thấy chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, cấp phép cho các doanh nghiệp được phép thu gom và xử lý rác.

Theo các chuyên gia, chính quyền địa phương cũng cần có giải pháp sáng tạo để làm sao thu hút thêm được các nguồn lực khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức để phát triển các hạ tầng thu gom, phân loại, tái chế theo từng đặc thù của địa phương.

"Chúng ta phải có những mô hình thí điểm, tìm hiểu xem mô hình thí điểm đó hiệu quả như thế nào, đâu là những thuận lợi, đâu là những khó khăn, để từ đó có những giải pháp nhân rộng, việc đầu tư một cách tràn lan có khi chưa chắc đã hiệu quả. Cho nên tôi nghĩ rằng cũng cần phải có những bước phân loại những đối tượng, khu vực để triển khai, trình diễn sau đó chúng ta có những bước để nhân rộng mô hình", PGS.TS Nguyễn Hồng Quân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu rác thải nhựa - Ảnh 3.

Người dân Hà Nội tích cực tham gia hoạt động thu gom rác tái chế. Ảnh: HNM.

Ngoài ra, theo đại diện PRO Việt Nam, cần có chính sách quy định về việc sử dụng nguồn thu từ quỹ bảo vệ môi trường dành cho các sáng kiến của các tổ chức, doanh nghiệp khởi nghiệp trong việc cải thiện hiệu quả quy trình phân loại, thu gom, tái chế.

Các chuyên gia cũng cho rằng, các mô hình, dự án, chương trình phân loại rác ở các địa phương đa số mang tính thử nghiệm, chưa đồng bộ, quyết liệt và chính thức hóa. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của các bên để việc phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn.

Hành trình vạn dặm bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Thực hiện một chiến dịch lớn mang tầm quốc gia về giảm lượng rác thải nhựa ra môi trường đôi khi cũng cần bắt đầu từ những hành vi nhỏ nhất. Ví dụ như thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, thay vào đó là sử dụng chai thủy tinh, hay ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… Từ những hành vi đó, mỗi người tiêu dùng cũng đã và đang chung tay bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, hướng tới xây dựng nền kinh tế.

Thế giới thải ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm Thế giới thải ra 57 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm

VTV.vn - Nghiên cứu mới của Anh cho thấy hàng năm thế giới lại thải ra thêm 57 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, 2/3 trong số đó đến từ khu vực Nam bán cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước