Với đặc điểm lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp tại đây hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, vì vậy cần có nguồn tín dụng đặc vụ mang tính thời vụ, để hỗ trợ các doanh nghiệp tại đây hấp thụ vốn tốt hơn.
Đối với nhiều doanh nghiệp, nếu không có đủ nguồn vốn bảo đảm thu mua và điều tiết kế hoạch dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn nguyên liệu tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn. Do vậy, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn vốn để thu mua nguyên liệu cho người nông dân sản xuất và chế biến xuất khẩu ngay từ đầu niên vụ.
Tín dụng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu… ở khu vực Tây Nguyên được ghi nhận đều có mức tăng trưởng tốt với hơn 76 nghìn tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của cả vùng.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí)
Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian cao điểm thu mua nguyên liệu, các ngân hàng trên địa bàn cũng sẽ phối hợp cùng các Hiệp hội ngành hàng có kế hoạch để đến khi mùa vụ có thể cung cấp nguồn vốn vay với mức lãi suất ưu đãi nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, để tiếp tục thúc đẩy nguồn vốn tín dụng tại khu vực Tây Nguyên, ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai nhiều giải pháp như hướng tín dụng vào các mặt hàng nông sản chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn. Tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!