Thúc đẩy nhu cầu vay vốn: Bài toán “khó giải” của nhiều ngân hàng

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 03/07/2020 20:31 GMT+7

VTV.vn - Dù lãi vay thấp, nhưng nhu cầu về vốn lại đang đi xuống. Làm sao thúc đẩy nhu cầu vay vốn đang là bài toán nhiều ngân hàng phải giải quyết lúc này.

Lãi suất liên tục giảm

Hiện lãi suất liên ngân hàng, nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau, đang ở mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, lãi suất huy động, lãi suất các ngân hàng đang áp dụng để huy động vốn từ dân cư, cũng liên tục giảm. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng mạnh tay cắt giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Những ngày cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng qua đêm có lúc chỉ ở mức 0,175%/năm, mức thấp kỷ lục trên thị trường ngân hàng. Lãi suất liên ngân hàng thấp cũng có nghĩa là nhu cầu vay mượn không nhiều.

Dư thừa tiền đang là một thực tế đối với nhiều ngân hàng. Thực tế này khiến cho các tổ chức tín dụng buộc phải hạ cả lãi suất huy động cũng như cho vay, nếu không muốn "ế" vốn.

Thúc đẩy nhu cầu vay vốn: Bài toán “khó giải” của nhiều ngân hàng - Ảnh 1.

Từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng mạnh tay cắt giảm. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Đầu vào đang dồi dào, thậm chí dư thừa, vì vậy, các ngân hàng vốn là trung gian tài chính chỉ có cách, gần như duy nhất, là phải thúc đẩy đầu ra, tức là giải ngân vốn với giá rẻ và thấp hơn trước. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng sau nhiều tháng ì ạch đã dần lấy lại được sự hồi phục dù còn nhiều khó khăn.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra thông điệp, sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhằm hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, việc đưa vốn ra nền kinh tế cũng cần có thêm các biện pháp hỗ trợ khác để sức hấp thụ của của doanh nghiệp được cải thiện và đồng vốn phát huy được hiệu quả.

Đồng bộ giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Dịch COVID-19 vẫn đang rất phức tạp trên thế giới và sẽ còn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Vì vậy, nhu cầu vốn của doanh nghiệp tiếp tục thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 11% -14% là thách thức lớn. Muốn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, cần hồi sinh các doanh nghiệp và để doanh nghiệp hồi sinh, giảm lãi suất cho vay là chưa đủ.

Nếu sản xuất ra không bán được thì vốn rẻ cũng chẳng vay làm gì, đó là câu trả lời của không ít doanh nghiệp bế tắc đầu ra, nhất là những doanh nghiệp lâu nay vốn phụ thuộc vào xuất khẩu. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa là cánh cửa hy vọng trước mắt của không ít doanh nghiệp.

Thúc đẩy nhu cầu vay vốn: Bài toán “khó giải” của nhiều ngân hàng - Ảnh 2.

Nhu cầu vốn của doanh nghiệp tiếp tục thấp do ảnh hưởng của COVID-19

Không vay mới nhưng nhiều khoản vẫn cũ chưa có nguồn để trả cũng khiến doanh nghiệp "đứng ngồi không yên". Với tình hình hiện nay, rất có thể phải hết năm nay, nhiều doanh nghiệp mới có thể trang trải dần.

"Ngân hàng trung ương Việt Nam đã nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Chúng tôi cũng đánh giá cao giải pháp khoanh nợ, giãn nợ thời gian qua. Đó như một đơn thuốc đúng bệnh và cần duy trì thêm. Việc này có ý nghĩa hơn là bơm tín dụng ồ ạt, thiếu kiểm soát, vì như thế nguy cơ nợ xấu mà nền kinh tế phải gánh sau này rất nặng nề" - ông Jacques Morisset, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ xem xét sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ cho đến cuối năm 2020; các khoản nợ cho vay mới sau thời điểm Thủ tướng công bố dịch 23/1 cũng sẽ được xem xét để cho phép cơ cấu lại, mở rộng diện hỗ trợ so với hiện nay.

Hộ dân, người lao động vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ được giãn nợ Hộ dân, người lao động vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19 sẽ được giãn nợ

VTV.vn - UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ tối đa 24 tháng đối với những hộ dân, người lao động vay vốn bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước