Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận sự sụt giảm tới 23% so với năm 2022. Đặc biệt, nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt 1,7 tỷ USD cũng giảm tới 13% so với cùng kỳ. Trước thực tế này, phóng viên của VTV đã có cuộc trao đổi với đại diện Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương. Nhiều giải pháp đã được đưa ra để xúc tiến thương mại trong thời gian tới.
Theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trên là do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, khiến đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu bị sụt giảm từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản cũng đứng trước áp lực chi phí tăng cao, sức cạnh trạnh trên thị trường thế giới đã giảm khi sản phẩm phải đội giá, dẫn tới tiêu thụ chậm. Cùng với đó, số ngày thống kê kim ngạch xuất khẩu của tháng 1 cũng ít hơn do thời gian nghỉ lễ Tết kéo dài. Trước thực tế này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.
Tháng 1 năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ghi nhận sự sụt giảm tới 23% so với năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Tổ chức các đoàn giao dịch mua hàng của nước ngoài vào Việt Nam để thu mua hàng hóa cho doanh nghiệp; tổ chức các đoàn giao thương của Việt Nam đi những thị trường trọng điểm để xúc tiến chào hàng cũng như tìm kiếm khách hàng mới, đơn hàng mới; đưa các doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm uy tín trên thế giới, những hội chợ lớn để giúp các doanh nghiệp tăng cường cơ hội quảng bá, chào hàng, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới", bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc, Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, trong năm nay, các doanh nghiệp cân nhắc thêm một số thị trường mới, tiềm năng như châu Phi, khu vực Nam Mỹ, một số các nước châu Á. Các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt liên tục cập nhật thị trường để có ứng phó thích hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!