Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/02/2023 21:15 GMT+7

VTV.vn - Kinh tế thế giới năm nay dự báo còn tiếp tục có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 1 năm nay chỉ đạt khoảng 600 triệu USD, tức giảm tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài lý do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán rơi vào tháng này khiến số ngày nghỉ nhiều, còn một nguyên nhân hàng đầu nữa đó là thiếu đơn hàng.

Các thị trường chính nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều đã giảm mạnh đặt hàng trong tháng qua. Trong đó, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hong Kong đều giảm hơn một nửa, EU giảm 35%... Kinh tế thế giới năm nay dự báo sẽ còn tiếp tục có nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản. Các doanh nghiệp trong nước vì thế cần có sự chủ động để vượt khó.

Gần 20 năm tham gia xuất khẩu, chưa khi nào Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu như vào thời điểm này năm ngoái, đơn vị đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu, nay vẫn đang sản xuất cầm chừng chờ đơn hàng.

"Lượng nguyên liệu trong nước giảm rất là mạnh. Do đó, bức tranh xuất khẩu thủy sản quý I/2023 sẽ rất tối. Tôi nghĩ xuất khẩu thủy sản sẽ giảm nghiêm trọng", ông Võ Văn Phục - Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Sạch Việt Nam nhận định.

Ông Võ Đông Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cho biết: "Cái khó là giá thành đang rất cao mà giá bán phải giảm. Giảm theo thị trường không thể tăng mãi như thời gian vừa qua dịch COVID-19 tạm lắng".

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 1 năm nay chỉ đạt khoảng 600 triệu USD. Ảnh minh họa.

Theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tình trạng thiếu đơn hàng, giảm giá trị xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài đến hết quý I năm nay. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu chờ thị trường tiêu thụ hồi phục vào quý II.

Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho hay: "Doanh nghiệp và nông dân cần được ưu tiên vay vốn, nhất là duy trì lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ. Đối với các thị trường lớn như thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại thì Bộ ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp để xúc tiến thương mại...".

Lạm phát đang tác động đến phần lớn người tiêu dùng có thu nhập trung bình nên các sản phẩm thuỷ sản chế biến của Việt Nam hướng đến đối tượng này bị giảm mạnh. Do vậy, vấn đề đặt ra cho những tháng tới là phải tăng khả năng cạnh tranh.

Hiện giá thành tôm của Việt Nam đang có nhiều bất lợi hơn với các nước như Ecuador và Ấn Độ, nên cần có sự chủ động khắc phục thì mới có thể đảm bảo được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm nay.

Cơ hội và thách thức khi Trung Quốc mở cửa trở lại

Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại từ cách đây 1 tháng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra virus SARS-CoV-2 trên bao bì và hàng hóa nhập khẩu cũng đã được dỡ bỏ. Điều này đã đem lại những tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của cả 2 nước. Tuy nhiên, đi cùng với đó cũng có những khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp cả hai bên.

Canh cá chua là món rất phổ biến trong các nhà hàng ở Trung Quốc. Thời dịch bệnh, nuôi trồng, sản xuất bị hạn chế, nguồn cung cá bản địa sụt giảm, nên nhiều nhà hàng chuyển sang nấu bằng cá tra của Việt Nam.

Cá tra ít xương lại hợp vị, nên ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng. Đây là một trong những yếu tố giúp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Trung Quốc năm qua tăng mạnh, đạt trên 1,7 tỷ USD, qua đó đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn thứ 2, chỉ sau Mỹ.

Việt Nam và Trung Quốc gần về địa lý. Việc tận dụng được thị trường này sẽ là lợi thế lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là với những mặt hàng tươi sống, nhờ giảm được chi phí vận tải.

Xuất khẩu thủy sản đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn đặt mục tiêu là có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm nay từ 1,8 đến 1,9 tỷ USD. Ảnh minh họa.

Trong điều kiện khó khăn chung, nhưng ngành thuỷ sản Việt Nam vẫn đặt mục tiêu là có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm nay từ 1,8 đến 1,9 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái. Để đạt được điều này đòi hỏi phải tiếp cận với thị trường Trung Quốc bằng những chiến lược khác nhau cho từng vùng, từng địa phương bởi đây là một thị trường lớn, mỗi địa phương lại có những nhu cầu, yêu cầu rất khác nhau.

Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ tạo thuận lợi trong cung nguyên liệu cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam như dệt may, da giày.

Tuy nhiên, thuận lợi cũng đi kèm với những thách thức. Tại thị trường Trung Quốc, hàng hoá Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các nước khác cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này và cạnh tranh với chính hàng nội địa của nước bạn khi sản xuất được nối lại bình thường.

Ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc nhận định: "Các doanh nghiệp Trung Quốc có khả năng sản xuất rất nhanh, năng suất rất cao. Rất nhiều địa phương cũng như hiệp hội ngành hàng của Trung Quốc đã tổ chức các đoàn giao thương ra nước ngoài. Đó sẽ là sự cạnh tranh để giành lấy những đơn hàng mà trong năm dịch Trung Quốc đã không có cơ hội".

Bênh cạnh đó, lượng hàng hoá Trung Quốc vào thị trường Việt Nam cũng được dự báo sẽ nhiều và đa dạng hơn. Các doanh nghiệp Việt vì vậy sẽ phải nâng cao sức cạnh tranh ngay trên sân nhà.

Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc Thêm 23 doanh nghiệp thủy sản được xuất khẩu vào Trung Quốc

VTV.vn - 23 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt và công bố đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước