Thực hư chuyện Samsung, Apple cân nhắc kế hoạch sản xuất ở Việt Nam

Theo Dân trí-Chủ nhật, ngày 23/08/2020 09:56 GMT+7

VTV.vn - Trong khi Samsung bác thông tin hãng này có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ, Apple lại tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Bắc Giang.

Samsung phủ nhận việc chuyển một phần sản xuất tại Việt Nam sang Ấn Độ

Tuần qua, đại diện Samsung đã chính thức bác bỏ thông tin việc hãng này có thể chuyển một phần sản xuất smartphone từ Việt Nam sang Ấn Độ.

Đại diện Samsung cho biết: "Các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung đặt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên đang hoạt động bình thường mà không có liên quan gì đến sự điều chỉnh sản lượng sản xuất của nhà máy tại Ấn Độ".

Đồng thời đại diện Samsung khẳng định, Samsung tại Việt Nam vẫn luôn giữ vững vai trò quan trọng là cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.

Thực hư chuyện Samsung, Apple cân nhắc kế hoạch sản xuất ở Việt Nam - Ảnh 1.

Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 17,3 tỷ USD.

Sau 12 năm, khởi đầu với mức đầu tư 670 triệu USD cho nhà máy SEV năm 2008, hiện Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 17,3 tỉ USD, tăng gấp 26 lần.

Tính đến nay, Samsung tại Việt Nam có 6 nhà máy và 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), trong đó SEV (Bắc Ninh) và SEVT (Thái Nguyên) là 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu, SEHC (TP.HCM) là nhà máy điện tử gia dụng lớn nhất tại Đông Nam Á và SVMC là trung tâm R&D lớn nhất của Samsung tại Đông Nam Á.

Apple cân nhắc tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam

Sau thông tin nói trên, việc đại diện của Apple đến thăm nhà máy của Luxshare, một trong những đối tác lắp ráp iPhone của Apple, đặt tại khu công nghiệp Vân Trung (tỉnh Bắc Giang) để đánh giá khả năng sản xuất iPhone tại cơ sở này cũng được chú ý.

Trang công nghệ AppleInsider dẫn lời Tang Due Bang, Giám đốc đối ngoại của Luxshare, cho biết quá trình kiểm tra của Apple nhằm đảm bảo quy mô và đánh giá nhà máy đặt tại Việt Nam có đáp ứng đúng quy mô và cơ sở vật chất để bắt đầu lắp ráp iPhone hay không.

Tuy nhiên, một phần trong của cơ sở sản xuất này vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của Apple, đặc biệt là những yêu cầu liên quan đến điều kiện sống và ký túc xá dành cho công nhân. Hiện chưa rõ Luxshare không đáp ứng được yêu cầu từ phía Apple về tiêu chí nào, nhưng có vẻ như điều này đã khiến Apple tạm ngừng kế hoạch sản xuất iPhone tại Việt Nam.

Dù vậy, động thái này nhiều khả năng chỉ mang tính tạm thời và nếu Luxshare có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Apple, nhà máy tại Việt Nam vẫn sẽ được chấp thuận để bắt đầu quá trình lắp ráp iPhone.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt: Apple bỏ chọn Việt Nam là bài học rất đau xót

Bình luận về động thái này của Apple, chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, chuyên gia tư vấn chuyên nghiệp tại Việt Nam cho rằng đây là những bài học lớn và là một sự đau xót.

Thực hư chuyện Samsung, Apple cân nhắc kế hoạch sản xuất ở Việt Nam - Ảnh 2.

Nhà tư vấn đầu tư, chuyên gia và luật sư Nguyễn Trần Bạt, nhà sáng lập Invest Consult Group.

"Đau xót lắm, người ta nói thật hay mượn Việt Nam để mặc cả, để đánh tiếng với các quốc gia khác, điều này cho thấy Việt Nam không phải là một địa điểm cho các trò chơi có thật. Chúng ta không so được với Ấn Độ, chỉ nguyên việc đem kinh tế Ấn Độ ra phân tích trong tương quan so sánh với kinh tế Việt Nam thì đã rất chênh lệch rồi", vị chuyên gia nói.

Theo nhận xét của ông Nguyễn Trần Bạt, chúng ta chỉ chuẩn bị cho thu hút đầu tư mà không chuẩn bị cho con người. Đấy là "du thủ du thực" về phương diện văn hóa công nghiệp. Trong tất cả câu chuyện đón lõng đầu tư nước ngoài cần chú trọng đến yếu tố giáo dục con người.

"Việt Nam không đủ điều kiện để quyến rũ các công ty ồ ạt chạy vào, chúng ta còn thiếu rất nhiều thứ. Như trường hợp Apple, nguyên nhân thiếu chỗ ở cho công nhân thì không thể tiến hành sản xuất ở đây được là sự thật đáng buồn! Việc Apple bỏ đi không chọn Việt Nam cho thấy, chúng ta đã chưa thực sự chuẩn bị kỹ 'tổ' để đón đại bàng, nhất là về vấn đề con người" - ông Bạt nhìn nhận.

Lập tổ công tác đặc biệt thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Một động thái có liên quan tới vấn đề này từ phía Chính phủ đó là trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 có nội dung yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

“Từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến” - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Bất chấp COVID-19, Samsung giữ vững ngôi đầu trên thị trường TV toàn cầu Bất chấp COVID-19, Samsung giữ vững ngôi đầu trên thị trường TV toàn cầu

VTV.vn - Dù doanh số bán TV trên toàn cầu giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Samsung vẫn duy trì vị trí dẫn đầu trên thị trường TV trong quý II/2020.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước