Tập đoàn Aeon - chuỗi siêu thị bán lẻ lớn nhất Nhật Bản đã tiến thêm một bước mới khi quyết định đẩy mạnh việc bán thực phẩm tươi sống qua nền tảng thương mại điện tử. Để thực hiện điều này, AEON chọn bắt tay với Ocado. Ocado là một trong những công ty có nền tảng thương mại điện tử rất mạnh và tự xưng là "siêu thị online" lớn nhất thế giới, không hề có cửa hàng, chi nhánh. Mọi mặt hàng đều được hãng này giao tới người mua trong một chu trình khép kín. Tại sao thời điểm này, AEON lại muốn đầu tư vào mảng online cho lĩnh vực tươi sống?
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến những ông lớn bán hàng online tại Nhật Bản như Rakuten hay Amazon đã bắt đầu bán các loại thực phẩm tươi sống. Việc ứng dụng công nghệ logistic hiện đại đã rút ngắn thời gian giao hàng, cho phép các tập đoàn bán lẻ online dần tiếp cận được với các loại mặt hàng tươi sống. Tình trạng này đang đe dọa đến hệ thống siêu thị AEON trên khắp Nhật Bản, với thế mạnh là các mặt hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm.
Tập đoàn AEON đã tham gia thị trường online kể từ năm 2008 nhưng đến nay chỉ chiếm 1% trong doanh thu 8,5 nghìn tỷ Yen và có xu hướng bị lỗ. Thời gian dài từ khi đặt hàng online đến khi nhận được hàng hóa là rào cản lớn nhất với mặt hàng tươi sống. Công nghệ logistic đang phát triển mạnh như hiện nay khiến rào cản trên đang dần bị gỡ bỏ.
Không chỉ AEON đầu tư vào bán lẻ thực phẩm tươi sống qua thương mại điện tử, cách đây hơn 2 năm, thông báo của Amazon về việc mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD đã tạo ra cú sốc lớn trên thị trường bán lẻ thực phẩm tại Mỹ, khiến cổ phiếu của nhiều hãng bán lẻ truyền thống đồng loạt rớt giá mạnh. Tất cả đều chờ đợi một sự thay đổi lớn trên thị trường bán lẻ thực phẩm Mỹ từ tập đoàn thương mại điện tử này.
Thế nhưng sau 2,5 năm, yếu tố quan trọng nhất là doanh thu lại không mấy thay đổi. Thống kê hàng quý cho thấy, sau khi về với Amazon, doanh thu của Whole Foods là hơn 4 tỷ USD, tăng không đáng kể so với trước đó. Thị phần trên thị trường bán lẻ thực phẩm tại Mỹ mà Amazon nắm giữ thông qua Whole Foods chỉ đứng thứ 9, kém xa các đối thủ truyền thống.
Lý giải cho vấn đề này, The Business Insider chỉ ra rằng, Whole Foods có 2 đặc điểm là trở ngại cho nỗ lực thúc đẩy bán hàng thực phẩm trực tuyến của Amazon đó là giá sản phẩm quá cao và mạng lưới cửa hàng quá nhỏ. Với chưa đầy 500 cửa hàng trên khắp nước Mỹ, Whole Foods không thể giúp Amazon tiếp cận khách hàng nhanh như Walmart, Kroger hay Target. Khoảng cách về giá giữa sản phẩm của hãng so với các đối thủ khác, dù đã giảm đáng kể sau khi được Amazon mua lại, vẫn cao hơn 12-13% so với các đối thủ, khiến tập khách hàng bị thu hẹp.
Theo Forbes, một vấn đề khác chính là việc thương vụ mua lại Whole Foods của Amazon, đã khiến các hãng bán lẻ truyền thống vô cùng lo ngại, từ đó đầu tư mạnh tay hơn vào các dịch vụ bán hàng trực tuyến. Walmart đang cung cấp dịch vụ giao nhận hàng thực phẩm không giới hạn với mức phí 98 USD/năm trong khi Koreger thử nghiệm dịch vụ giao nhận bữa ăn và thực phẩm tới khách hàng trong vòng 30 phút.
Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu từ Brick Meets Click mới đây cho thấy, các hộ gia đình Mỹ sử dụng dịch vụ mua và giao nhận thực phẩm tại nhà của các hãng bán lẻ truyền thống đã chi tiêu tới 200 USD/tháng, cao gần gấp 3 lần số tiền mà người tiêu dùng chi tiêu tại các cửa hàng thuộc hệ thống của Amazon. Do đó, có thể nói, thương vụ mua lại Whole Foods của Amazon thực sự đã kích hoạt một cuộc chạy đua trên thị trường bán lẻ thực phẩm Mỹ, mà người khởi đầu, trớ trêu thay đang tạm tụt lại phía sau.
Năm 2017, khi Amazon chỉ vừa thâu tóm Whole Foods, thì Alibaba đã mở được 20 siêu thị cho chuỗi bán lẻ thực phẩm riêng của mình mang tên Hema. Để mua sắm tại đây, người mua hàng sẽ chỉ cần lướt ứng dụng Hema và kết nối với tài khoản Alipay để thanh toán, thay vì phải xếp hàng trước quầy thu ngân.
Là một phần của chiến lược "New Retail" từ 2015, Hema là sự thử nghiệm thương mại điện tử vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm truyền thống của Alibaba. Không chỉ quét mã chọn hàng trên ứng dụng, khách hàng còn có thể yêu cầu chế biến và nấu món ngay tại cửa hàng. Mỗi siêu thị cũng như một tổng kho phục vụ cho giao hàng online, sử dụng mạng lưới từ một đơn vị khác của Alibaba là ứng dụng giao đồ ăn Eleme.
CNN đã ví Hema như là sự cộng gộp của cả Amazon với siêu thị Costco và nhà hàng Chipotle. Sau 4 năm ra đời, Alibaba đã nâng phạm vi của Hema lên tới 150 siêu thị trên toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, Walmart mới là cái tên đang nắm giữ nhiều lợi thế nhất.
Hồi năm 2016, ông lớn bán lẻ Mỹ đã bán trang bán hàng trực tuyến của mình cho đối thủ Alibaba là JD.com, đồng thời 2 công ty cũng bắt tay, cho phép khoảng 130 siêu thị Walmart trở thành kho hàng về thực phẩm tươi cho JD.
Bất chấp thương chiến Mỹ Trung, Walmart đang đặt cược lớn vào thị trường Trung Quốc trong 5 năm tới, trong đó mảng thực phẩm trực tuyến là một trong những mục tiêu lớn nhất. Với tiềm năng chạm đến mốc hơn 200 tỷ USD vào năm 2023, không ngạc nhiên khi thị trường thực phẩm online của quốc gia tỷ dân là miếng bánh béo bở với bất cứ ông lớn nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!