Câu chuyện được ghi nhận trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sau đây sẽ là một minh chứng cho việc vì chưa có thương hiệu, doanh nghiệp Việt đang yếu thế trong các hợp đồng sản xuất và giảm cơ hội đón đầu những vốn đầu tư.
Tỷ lệ nội địa hóa của sản xuất xe máy hiện tại đã đạt trên 80%, điều đó cho thấy năng lực đáp ứng tốt của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ví như, mỗi năm, Công ty Cơ khí Mai Văn Đáng sản xuất hàng trăm ngàn chi tiết cho các hãng xe hàng đầu nhưng lại gặp khó khi tìm kiếm các đối tác mới.
Ở chiều ngược lại, khi quyết định sản xuất những chiếc xe điện tại Việt Nam, các nhà đầu tư Hàn Quốc mong muốn sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhằm gia tăng sức cạnh tranh nhưng việc tìm kiếm nhà cung cấp linh kiện lại không dễ.
Một nguyên nhân chủ yếu là các doanh nghiệp lâu nay mới chỉ chú trọng sản xuất mà chưa xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Các sản phẩm thường chỉ được dãn nhãn của các đối tác FDI.
Tất nhiên, hợp đồng với các doanh nghiệp FDI thường là các hợp đồng lớn, đảm bảo cho sự sống của doanh nghiệp. Cũng chính vì thế, các doanh nghiệp Việt thường chấp nhận các điều khoản yếu thế. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu không có sự thay đổi, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất sức cạnh tranh và cả những cơ hội phát triển các thị trường mới của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!