Thương mại điện tử ngày càng đông, ai được hưởng lợi?

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 02/11/2024 12:57 GMT+7

VTV.vn - Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là một xu hướng trên toàn cầu, vì vậy việc những mặt hàng quốc tế vào nước ta qua kênh này là không thể tránh khỏi.

Sức hấp dẫn của “miếng bánh” thương mại điện tử Việt Nam

Tổng doanh thu thương mại điện tử trong 9 tháng đạt gần 230.000 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Shopee vẫn duy trì vị trí dẫn đầu với hơn 70% thị phần, tiếp sau là TikTok Shop 22% và Lazada với gần 6%.

Quy mô đứng thứ ba tại Đông Nam Á và mức tăng trưởng ấn tượng, thương mại điện tử Việt Nam như một miếng bánh thơm ngon, thu hút nhiều sàn thương mại điện tử quốc tế liên tục tham gia giành thị phần.

Bà Đỗ Mai Phương - Quản lý phát triển khách hàng Metric cho biết: “Khi có một sàn thương mại điện tử mới gia nhập vào thị trường Việt Nam, chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ có sự phân chia lại về thị phần của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Để khẳng định được việc cạnh tranh được với các sàn điện tử thương mại phổ biến tại Việt Nam như Shopee, Tiki, Lazada, TiktokShop cũng cần thêm thời gian để kiểm chứng vấn đề này”.

Với dự báo tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bán lẻ trực tuyến ở Việt Nam, ước tính doanh thu có thể đạt 650.000 tỷ đồng trong năm nay, “miếng bánh” thị phần thương mại điện tử Việt Nam lại ngày càng hấp dẫn hơn.

Thương mại điện tử ngày càng đông, ai được hưởng lợi? - Ảnh 1.

“Miếng bánh” thị phần thương mại điện tử Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn

Thương mại điện tử ngày càng đông, ai được hưởng lợi?

Rõ ràng, miếng bánh càng thơm ngon thì càng nhiều những chú kiến. Những chú kiến này sẽ mang đến điều gì, là nguy hay cơ đối với thị trường thương mại điện tử Việt? Và ai sẽ là người được hưởng lợi?

Khi có nhiều những cái tên xuất hiện, người dùng sẽ có quyền được lựa chọn. Họ sẽ có quyền cân nhắc giá cả, khuyến mãi, chất lượng dịch vụ, chất lượng hàng hóa giữa các bên. Ai là người có hàng hoá đa dạng, giá cả và dịch vụ tốt hơn thì sẽ được người dùng ưu tiên lựa chọn. Thế nhưng, không phải lúc nào người dùng cũng được hưởng lợi. Đôi khi tâm lý thích săn khuyến mãi, chuộng hàng giá rẻ khiến người tiêu dùng mua phải những mặt hàng không như ý.

Ông Đỗ Hữu Hưng - Tổng giám đốc của Công ty Accesstrade Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ đây là một điều tốt cho cả thị trường khi chúng ta đang đẩy mạnh cơ hội mà người dùng có thể tiếp cận với nhiều hàng hóa, nhiều sự lựa chọn hơn, nhiều nhà cung cấp hơn”.

Ông Dương Tú Mỹ - Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Bàn phím này trên Temu đang để giá gần hai triệu, giảm xuống còn 650.000 đồng. Nhưng khi tôi xem trang bán hàng khác thì chỉ còn 350.000 đồng”.

Một người khác chia sẻ: “Hàng cũng không được như ý. Khi người ta chụp ảnh lên, nhìn cũng không rõ phong cách may, ví dụ như đắp thêm nơ, mình nhìn là đắp nơ nhưng đến lúc nhận về không phải là đắp mà người ta can hình cái nơ”.

Sàn thương mại điện tử mới này lại là mối đe dọa, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Việt. Hàng đi thẳng từ các nhà máy nước ngoài đến tay người dùng không phải chịu thuế, còn được trợ giá bằng các khuyến mãi như miễn ship nên doanh nghiệp Việt rõ ràng khó để cạnh tranh.

Bà Trần Thu Thảo - Nhà sáng lập, chủ thương hiệu thời trang The Peachy cho biết: “Chuỗi cung ứng của Việt Nam trong ngành thời trang vẫn chưa phải là chuỗi cung ứng một vòng tròn mà vẫn phải nhập nguyên phụ liệu ở bên Trung Quốc là mình đã không thể cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Bây giờ hiện tại họ lại có thể đưa một sàn thương mại điện tử đó đưa hàng Trung Quốc sang Việt Nam và họ không phải đóng mức thuế nhiều. Như vậy là cạnh tranh không được công bằng”.

Người dùng không phải lúc nào cũng được lợi, trong khi doanh nghiệp lại phải cạnh tranh ngay trên sân nhà. Như vậy, mừng thì ít mà lo thì nhiều.

Thương mại điện tử ngày càng đông, ai được hưởng lợi? - Ảnh 2.

Giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường

Doanh nghiệp mở rộng kinh doanh qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang là một xu hướng trên toàn cầu, vì vậy việc những mặt hàng quốc tế vào nước ta qua kênh này là không thể tránh khỏi. Dù những thương hiệu này có gia nhập thị trường Việt Nam hay không, người tiêu dùng vẫn có thể mua hàng từ nước ngoài. Thay vì lo sợ, nhiều doanh nghiệp nội địa đã chủ động tìm cách đưa ra các giải pháp để có thể biến nguy thành cơ.

Sunhouse - một doanh nghiệp ngành hàng gia dụng, để xuất khẩu họ đã phải đầu tư lớn cho cả sản xuất, thương hiệu và logistic. Sau ba năm, tăng trưởng qua thương mại điện tử xuyên biên giới có những giai đoạn đạt trên 100%.

Ông Lê Tùng - Giám đốc chiến lược và Marketing Tập đoàn Sunhouse cho biết: “Đầu tiên phải đảm bảo được chất lượng và giá thành tương ứng với các nước đang sản xuất, có ưu thế về sản xuất. Và yếu tố thứ hai sau khi có được tiêu chuẩn đó là chi phí sản xuất như thế nào để chúng ta đáp ứng được, cạnh tranh được với các ông lớn trên thị trường”.

Còn các mặt hàng đồ thủ công mỹ nghệ của Công ty Đông Dương đã được bán ra nước ngoài qua thương mại điện tử gần 10 năm. Sau thời gian thích nghi, doanh thu của doanh nghiệp qua kênh này tăng 50% và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định cho đến nay.

Bà Hoàng Thanh Tâm - Giám đốc điều hành CTCP Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương chia sẻ: “Tìm hiểu thứ nhất là về các cách thức làm việc, cách thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Thứ hai là tìm hiểu về thương mại quốc tế, các hình thức về vận chuyển, thanh toán, các chính sách về nhập khẩu của mỗi quốc gia mà chúng ta hướng tới”.

Theo thống kê trên Amazon, trong 5 năm, lượng hàng hóa Việt Nam bán trực tuyến ra nước ngoài đã tăng 300%, tăng trưởng cao nhất là các mặt hàng về sức khoẻ và chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp.

Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định: “Các đối tác Việt Nam có rất nhiều lợi thế so với những người bán khác ở Đông Nam Á. Họ rất chủ động, tích cực tham gia vào các nền tảng kinh doanh trực tuyến. Việt Nam cũng là một quốc gia mạnh về xuất khẩu. Nhiều quốc gia tiếp tục đầu tư vào Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang xây dựng trung tâm sản xuất tại đây".

Giai đoạn 2022-2025, thương mại điện tử xuyên biên giới ước tính tăng trưởng gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thông thường. Dự báo đến năm 2026, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20%. Những tín hiệu tích cực này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để có thể nắm bắt tốt cơ hội xuất khẩu toàn cầu qua thương mại điện tử.

Miếng bánh thơm ngon giờ đây không chỉ gói gọn trong thị trường thương mại điện tử của Việt Nam, mà đã trở thành miếng bánh toàn cầu, vì doanh nghiệp Việt cũng đã "xuất khẩu online" được ra thị trường nước ngoài. Vì vậy, những con kiến nội giờ cũng có thể trở thành những con kiến ngoại với những thị trường khác. Quan trọng là mạnh dạn bò thêm một chút để thưởng thức những chiếc bánh to hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước