Thương mại toàn cầu dự kiến đạt mức kỷ lục
Sau khi suy giảm trong năm 2023, thương mại toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024, bất chấp những thách thức kinh tế và địa chính trị dai dẳng. Dự báo từ các tổ chức quốc tế đều cho thấy mức tăng trưởng thường niên của thương mại toàn cầu mạnh mẽ trong năm nay.
Theo Cơ quan Thương mại và phát triển Liên Hợp Quốc, tổng giá trị các giao dịch hàng hóa và dịch vụ toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 33.000 tỷ USD trong năm 2024. Con số này cao hơn 1.000 tỷ USD so với năm ngoái, tương đương mức tăng trưởng 3,3%.
Còn theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức tăng trưởng có thể lên tới 3,6%. Thương mại dịch vụ được coi là động lực chính của thương mại toàn cầu, với mức tăng trưởng 7%. Trong khi đó, thương mại hàng hóa cũng được dự báo đạt kết quả khả quan với mức tăng trưởng 2%, dù vẫn kém hơn mức đỉnh đã đạt được hồi năm 2022.
Những "cơn gió ngược"
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại toàn cầu năm nay cũng chứng kiến những cơn gió ngược, khi căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gây gián đoạn hoạt động thương mại.
Trong đó, cuộc xung đột ở Trung Đông đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải qua Biển Đỏ và kênh đào Suez - tuyến đường vận chuyển quan trọng đóng góp từ 12 - 15% thương mại toàn cầu. Ai Cập - quốc gia sở hữu kênh đào Suez đã thiệt hại tới 8 tỷ USD do doanh thu từ kênh đào Suez giảm mạnh, trong khi việc các hãng vận tải phải chuyển hướng khỏi tuyến đường này đã khiến chi phí hàng hóa gia tăng.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn cũng gia tăng, khi Mỹ và các nước phương Tây gây sức ép bằng thuế quan và các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm vào một số ngành kinh tế quan trọng của Trung Quốc như bán dẫn, xe điện, pin năng lượng mặt trời… Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các cuộc điều tra chống bán phá giá, hoặc hạn chế xuất khẩu các mặt hàng chiến lược.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thương mại toàn cầu năm nay cũng chứng kiến những "cơn gió ngược". Ảnh minh họa - Báo Đầu tư.
Theo một khảo sát mới đây của Thompson Reuters, 52% số nhà quản lý từ các công ty thương mại quốc tế cho biết, hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mang tính chất bảo hộ.
Tuy vậy, theo các chuyên gia, những "cơn gió ngược" này sẽ chỉ làm chậm và dẫn tới một sự chuyển đổi, không phải là sự đảo ngược đáng kể tiến trình toàn cầu hóa.
Ông Pascal Lamy - Cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đánh giá: "Nếu nhìn vào các con số, thương mại thế giới vẫn đang tăng trưởng tốt. Không có sự sụt giảm nào. Đây không phải là một sự đảo ngược của tiến trình toàn cầu hóa. Những gì đang diễn ra chỉ là một sự chuyển đổi. Sự cởi mở trước đây nay đã bị hạn chế bởi những lo ngại về an ninh quốc gia tại Mỹ, Trung Quốc hay châu Âu. Vì vậy, chúng ta đang có một tiến trình toàn cầu hóa khác, chậm lại và cân bằng hơn giữa an ninh và hiệu quả".
Hợp tác là động lực thúc đẩy thương mại toàn cầu
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), mặc dù phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, thương mại toàn cầu trong năm qua vẫn ghi nhận những tín hiệu của sự hợp tác. Những tín hiệu tích cực này sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Hôm 15/12, Vương quốc Anh đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), góp phần phát triển một khối thương mại đóng góp 15% GDP toàn cầu. Trước đó, Liên minh châu Âu (EU) và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đã đạt được một thỏa thuận thương mại tự do mang tính biểu tượng sau 25 năm đàm phán đầy khó khăn.
Bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết: "Tất cả chúng ta đều tin rằng sự cởi mở và hợp tác là động lực thực sự của tiến bộ và thịnh vượng. Tôi biết rằng những cơn gió mạnh đang thổi theo hướng ngược lại, hướng tới sự cô lập và phân mảnh, nhưng thỏa thuận này là phản ứng rõ ràng của chúng ta".
Tại châu Á, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thương mại với nhiều quốc gia, nền kinh tế khác trong bối cảnh áp lực thương mại từ Mỹ gia tăng.
Ông Louis Kuijs - Chuyên gia kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, S&P Global Ratings đánh giá: "Để giúp giảm bớt tác động từ căng thẳng thương mại, Trung Quốc đang củng cố thị trường nội địa, đồng thời tiếp tục thúc đẩy quá trình hội nhập với phần còn lại của thế giới, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại với các nền kinh tế khác, những quốc gia áp ít dụng các biện pháp bảo hộ hơn đối với hàng hóa, dịch vụ của nước này".
Các chuyên gia cũng kêu gọi cần có một sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa về chính sách vĩ mô giữa các nền kinh tế lớn, để giải quyết hiệu quả các tác động tiêu cực và xây dựng một hệ thống kinh tế toàn cầu cởi mở.
Bà Ren Lin - Chuyên gia nghiên cứu, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Trung Quốc cho rằng: "Cần chú ý nhiều hơn đến tiếng nói của Nam Bán cầu và cùng nhau khám phá các động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như phát triển khoa học và công nghệ, phát triển xanh và các yếu tố mới nổi khác, để chúng có thể được tận dụng hoàn toàn, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".
Theo OECD, trong năm 2025, thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3%, khi phải đối mặt với nhiều yếu tố không chắc chắn, bao gồm căng thẳng thương mại leo thang, biến động địa chính trị và sự thay đổi chính sách. Việc tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy thương mại tự do và đa phương hóa sẽ là cơ sở để các nền kinh tế vượt qua những thách thức này và hướng tới một tương lai ổn định, bền vững hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!